Kinh tế

Nông dân Tây Nguyên phá cà phê trồng chanh dây

Trần Hóa 29/03/2023 11:24

Hàng trăm ha cà phê già cỗi, kém năng suất được người dân chặt bỏ để trồng chanh dây, trước sức ép kinh tế.

Màu xanh cây cà phê đang dần được thay thế bằng chanh dây ở huyện Chư Păh, một trong những địa phương trồng chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai.

Từ diện tích vài chục ha năm 2016-2017, đến nay diện tích chanh dây tăng lên 500 ha, trong đó 400 ha trồng xen trong vườn cà phê, 100 ha trồng thuần.

600 gốc cà phê của ông Rơ Châm Ja, (60 tuổi, xã Ia Mơ Nông) được trồng từ năm 2005 bị phá bỏ.

Theo ông Ja, sau gần 20 năm, vườn cà phê của gia đình đã già cỗi, năng suất giảm, chi phí đầu tư cao, thời gian chăm sóc, thu hoạch kéo dài nên ông quyết định chuyển sang trồng chanh dây.

Sau khi thuê máy múc cây cà phê lên, ông Rơ Châm Ja đẽo rễ lấy thân bán cho các cơ sở lò đốt. Nhánh cà phê được gia đình tận dụng làm củi.

Một số nhà vườn thu gom lá, cành đốt trước khi múc cây cà phê để bán.

Gốc cà phê tái canh được thu mua từ 10.000 đến 12.000 đồng một cây để làm chất đốt.

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ia Mơ Nông, cho rằng nông dân trồng chanh dây phải tham gia vào chuỗi liên kết, ký hợp đồng với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

"Thực tế nhiều nông dân cứ ồ ạt trồng chanh dây mà không tính đến đầu ra cho sản phẩm", ông Thanh nói.

Vườn chanh dây 20 ngày tuổi của gia đình anh Rơ Châm Vui ở xã Ia Mơ Nông sau khi phá bỏ 500 gốc cà phê 20 năm tuổi.

Anh Vui cho biết, gia đình chưa bao giờ trồng chanh dây, song thời gian qua thấy giá chanh dây lên cao từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg, nhiều hộ lãi hàng trăm triệu đồng chỉ sau nửa năm đầu tư. Vì vậy, vợ chồng quyết định bỏ ra gần 50 triệu đồng để chuyển hướng đầu tư.

Cây bời lời (đã lấy vỏ) được người dân mua về để làm giàn cho chanh leo.

Nhiều nông dân tận dụng sẵn cây cà phê để làm giàn cho chanh dây. Tuy nhiên họ phải chặt nhánh và cắt rễ chùm để cây cà phê tự chết, không hút chất dinh dưỡng của chanh dây.

Vườn chanh dây của người dân ở huyện Mang Yang sắp cho thu hoạch. Giá chanh dây hiện tại dao động khoảng 15.000 đồng một kg, bình quân một ha đạt 40 tấn quả, trừ chi phí nông dân lãi 350-400 triệu đồng trên ha.

Gia Lai hiện có khoảng 4.500 ha chanh dây. Từ tháng 7/2022, chanh dây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, chanh dây còn xuất khẩu các nước thành viên EU, châu Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, tạo cơ hội cho sản xuất chanh dây của tỉnh.

Tuy nhiên, chanh dây trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều thách thức khi diện tích tăng ồ ạt, cùng chất lượng cây giống chưa được kiểm soát. Vì vậy, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng rà soát, khuyến cáo bà con không tự ý mở rộng diện tích trồng chanh dây.

Theo vnexpress.net
https://vnexpress.net/nong-dan-tay-nguyen-pha-ca-phe-trong-chanh-day-4586331.html?gidzl=_PGzBBEk_IN_ZZiflB3y9VIBCYgXu_OZwOzYAAMpe7FkYcyiyBMWBhoDONMaiFTtwDenUpLx3lSwjApv8G
Copy Link
https://vnexpress.net/nong-dan-tay-nguyen-pha-ca-phe-trong-chanh-day-4586331.html?gidzl=_PGzBBEk_IN_ZZiflB3y9VIBCYgXu_OZwOzYAAMpe7FkYcyiyBMWBhoDONMaiFTtwDenUpLx3lSwjApv8G
Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nông dân Tây Nguyên phá cà phê trồng chanh dây
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO