Kinh tế

Nông dân Đắk Nông với nông nghiệp xanh

Thanh Nga 11/01/2024 06:20

Nông dân Đắk Nông đang có xu hướng chọn phát triển nông nghiệp xanh vì mang lại nhiều lợi ích, nâng cao giá trị sản phẩm.

Xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có trên 700ha lúa thì hầu hết đã đạt VietGAP, 100ha đang sản xuất theo hướng hữu cơ. Nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, RVT, TBR39… Sản xuất lúa VietGAP, năng suất đạt từ 9-10 tấn tươi/ha, đem lại cho nông dân từ 30 - 40 triệu đồng/vụ/ha, cao gấp 3 lần so với khoảng 20 năm trước.

dji_0171(1).jpg
Xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có trên 700ha lúa thì hầu hết đã đạt VietGAP và đang sản xuất theo hướng hữu cơ

Chị Bùi Thị Tuyến ở xã Buôn Choáh có 2 ha lúa mỗi năm sản xuất 2 vụ. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa được gia đình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ.

Chị Tuyến chia sẻ: “Lúa gạo là lương thực, thực phẩm chủ yếu trong đời sống. Nông dân phải sản xuất bảo đảm chất lượng để bảo vệ sức khỏe của chính gia đình và người tiêu dùng”.

“Chúng tôi sản xuất khép kín. Gia đình lấy rơm, rạ, ngô lúa dùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau đó, chúng tôi tận dụng các phế phẩm nông nghiệp kết hợp với phân chuồng, chế phẩm sinh học ủ thành phân quay trở lại chăm sóc cây lúa”, chị Tuyến cho biết.

img_0244(1).jpg
Chị Bùi Thị Tuyến vui vẻ dạo trên cánh đồng lúa VietGAP, hữu cơ vì không khí trong lành, thân thiện môi trường

“Sản xuất lúa VietGAP đã giúp nông dân ít sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Vụ hè thu vừa rồi, một số nông dân của xã Buôn Choáh trồng lúa theo hướng hữu cơ càng giúp trong quá trình lao động trên cánh đồng an toàn hơn, môi trường sống lành mạnh”, chị Tuyến vui vẻ chia sẻ.

6 năm trước, ông Ngô Xuân Hiếu, bon R’Bút, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) quyết định thay đổi tư duy sản xuất. Toàn bộ 30ha hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái, rau, củ được ông chuyển cách chăm sóc từ thông thường sang VietGAP. Riêng 10ha bưởi mỗi năm cho trên 100 tấn sản phẩm của gia đình đã đạt OCOP 4 sao đem về từ 1,5 -2 tỷ đồng.

Ông Hiếu chia sẻ: “Toàn bộ diện tích rẫy của gia đình ngay cạnh hồ nước lớn nên rất thuận lợi cho sản xuất. Và điều này đòi hỏi chúng tôi sản xuất phải có trách nhiệm với cộng đồng. Gia đình sản xuất theo VietGAP góp phần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để tránh gây đất cằn cỗi, không ảnh hưởng đến nguồn nước”.

img_0091(1).jpg
Vườn bơ là cây trồng đầu tiên được ông Ngô Xuân Hiếu, bon R’Bút, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) áp dụng sản xuất theo VietGAP

Tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới. Việt Nam đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đó là “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn”.

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh của quốc gia, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh tuyên truyền, nông dân ngày càng ý thức rõ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Năm 2023 các cấp hội xây dựng 59 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt 295% chỉ tiêu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao.

Ông Hồ Gấm, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông cho biết: Toàn tỉnh có 16.426 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Sản phẩm của họ đa số được chứng nhận VietGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng năng lực cạnh tranh.

“Lực lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiên phong trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần lan tỏa sản xuất nông nghiệp sạch. Vì thế, các cấp hội tiếp tục xem đây là lực lượng nòng cốt lan tỏa sản xuất nông nghiệp xanh” ông Hồ Gấm chia sẻ.

Đắk Nông đã có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC), 4 vùng UDCNC với trên 2.423 ha. Ngoài ra, Đắk Nông có trên 85.000 ha ứng dụng một phần UDCNC. Tỉnh có 211 cơ sở với trên 28.629ha cây trồng được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nông dân Đắk Nông với nông nghiệp xanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO