Kinh tế

Nông dân Đắk Nông và kinh nghiệm chăm sóc cây trồng "khúc giao mùa" 

Hưng Nguyên 28/04/2023 05:00

Đắk Nông bước vào giai đoạn giao thoa giữa mùa nắng và mùa mưa. Đây cũng là giai đoạn nhiều cây trồng đang ra bông, đậu quả và phải đối mặt với các loại sâu bệnh tấn công. Do đó, người dân đang tập trung chăm sóc cho cây trồng, nhất là phòng trừ sâu bệnh để mong có một vụ mùa bội thu.

ADQuảng cáo

Những ngày này, ông Vũ Văn Yến, ở bon Ta Mung, xã Trường Xuân (Đắk Song), thường xuyên ra thăm rẫy. Ông có 400 trụ tiêu đang cho thu hoạch, 200 cây cà phê trồng trên 8 sào đất.

Mùa này, cà phê đang cho quả non, ngoài tưới nước thường xuyên để cây phát triển tốt, ông Yến còn tập trung phòng trừ rầy, rệp hại lá, quả, phòng ngừa sâu đục thân.

Để phát hiện bệnh không còn cách nào khác là ông phải thường xuyên ra thăm rẫy. Ông quan sát trên thân, lá cà phê để nhận diện biểu hiện sâu bệnh và xử lý bằng thuốc để phòng trừ. Đối với hồ tiêu, ông Yến vừa xịt Sunfat đồng để rửa vườn.

tieu1(1).jpg
Ông Yến xử lý nấm gốc cho vườn hồ tiêu

Ông Yến cho biết, hồ tiêu mùa này đang bước vào giai đoạn làm hoa. Ngoài việc cung cấp đủ nước, bón phân cho cây, cần thường xuyên kiểm tra lá để xem có biểu hiện bệnh nấm hồng, rệp sáp, nấm gốc hay không.

Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, chỉ những cây nào có biểu hiện sâu bệnh ông mới xử lý bằng thuốc. Những cây khỏe mạnh ông tập trung chăm sóc, bón thêm dinh dưỡng. 

Tương tự, bà Đỗ Thị Xiêm, cùng trú tại bon Ta Mung, xã Trường Xuân, có 800 trụ tiêu trồng thuần bằng trụ sống. Vườn tiêu đang bước vào giai đoạn chuẩn bị ra “cựa gà” làm bông.

Theo kinh nghiệm của bà Xiêm, mùa này rất quan trọng đối với cây hồ tiêu. Vì cây đang bước vào giai đoạn ra bông. Đây cũng là giai đoạn cây tiêu thường bị các loại nấm, rệp tấn công lá, rễ.

tieu2(1).jpg
Bà Xiêm vạch lá kiểm tra các biểu hiện của nấm bệnh trên vườn hồ tiêu
ADQuảng cáo

Vạch từng lá tiêu, bà Xiêm cho biết, vườn tiêu của bà đã có bệnh đốm lá, nấm trắng, rệp sáp, nấm hồng tấn công. Vài hôm nữa bà sẽ xịt thuốc đồng loạt cho vườn tiêu để diệt trừ. 

Ngoài ra, bà Xiêm cũng dễ dàng chỉ ra những cây tiêu trong vườn có biểu hiện rễ yếu, không phát triển được lá, cần đổ thuốc vào gốc để xử lý bệnh. 

Đối với sầu riêng, đây là giai đoạn quan trọng, quyết định đến vụ mùa năm nay. Sầu riêng đang bước vào giai đoạn làm bông,  giữ quả. Do đó, bà con đang tập trung chăm sóc cho vườn sầu riêng.

Những ngày này, anh Nguyễn Văn Huy, ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil), tranh thủ đi thụ phấn cho 400 cây sầu riêng giống Ri6 đang giai đọan ra hoa.

Anh Huy cho biết, giai đoạn này anh đi thụ phấn cho hoa để hỗ trợ cây sầu riêng đậu trái. Khi cây xổ nhụy xong, ngoài việc cắt nước, anh còn phải xịt các loại thuốc để giúp hoa sầu riêng dai cuống. Điều này cũng giúp phòng trừ nhện đỏ ăn lá, giữ trái. 

Anh cũng bón phân trung vi lượng để cây sầu riêng cân bằng chất. "Mùa này ngày nào tôi cũng ở trên vườn sầu riêng quan sát cây để phát hiện sâu bệnh, kịp thời xử lý", anh Huy cho biết. 

Đắk Nông có khoảng 212.500 ha cây chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu, cao su, điều; khoảng 14.400 ha cây ăn trái và 53.000 ha cây hàng năm. Theo ngành chức năng, năm nay, thời tiết khá cực đoan, khô hạn, dông lốc xảy ra cục bộ tại một số vùng, ít nhiều ảnh hưởng tới cây trồng.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, Đắk Nông đang trong giai đoạn giao mùa nên rất dễ phát sinh sâu bệnh trên các loại cây trồng.

Sâu bệnh thường xuất hiện theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Hiện nay, cây trồng đang trong giai đoạn quan trọng là làm hoa, nuôi quả...

Đây là giai đoạn quan trọng, có tính chất quyết định đến vụ mùa năm nay. Chính vì thế, người dân cần chủ động xử lý, phòng trừ sâu bệnh đúng cách cho cây trồng, bảo đảm năng suất cho cả vụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Đắk Nông và kinh nghiệm chăm sóc cây trồng "khúc giao mùa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO