Nông dân Đắk Nông và cách làm nông nghiệp có trách nhiệm
Nông dân Đắk Nông chủ động chuyển đổi cách thức sản xuất, giảm dần phụ thuộc vào phân bón hóa học, hướng đến canh tác hữu cơ, bền vững.
Chuyển đổi để sản xuất bền vững
Anh Đinh Văn Việt, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) sở hữu 10ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 7ha trồng cà phê, diện tích còn lại anh trồng xen bơ, nhãn, hồ tiêu.
.jpg)
Trong sản xuất nông nghiệp, anh Việt từng tốn nhiều chi phí đầu tư phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây trồng. Từ năm 2017, khi giá phân bón tăng cao, trong khi năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại không tăng tương ứng, anh Việt đã chuyển đổi cách thức sản xuất.
Anh tận dụng chính những thứ đang có sẵn trong vườn để làm phân bón cây trồng và giảm sử dụng phân bón hóa học. Cùng với đó, anh Việt bắt tay vào việc học hỏi quy trình sản xuất hữu cơ, anh tăng cường sử dụng các chế phẩm vi sinh, phế phẩm nông nghiệp để tạo nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng.
Anh Việt dùng cá, chuối, đậu nành, mật mía ủ cùng các loại men vi sinh để tạo thành phân bón dạng dịch lỏng bón định kỳ cho cây. Ngoài ra, vỏ cà phê sau thu hoạch, phân chuồng cũng được tận dụng triệt để, ủ hoai mục làm phân bón cho cây trồng.
Anh Việt chia sẻ: "Sau vài vụ áp dụng, kết quả rõ rệt, đất tơi xốp hơn, cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh, sản lượng ổn định. Đặc biệt, lượng phân bón hóa học giảm tới 80% so với trước kia".
Điều đáng nói hơn, anh Việt đã giảm được chi phí đầu tư chăm sóc, cải tạo được đất, cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Trước đây, mùa nào cũng lo thuốc sâu, thuốc phòng bệnh, giờ cây khỏe, sinh trưởng phát triển tốt và môi trường vườn rẫy luôn trong lành.
Cũng theo anh Việt, việc canh tác không sử dụng phân, thuốc hóa học sẽ giúp nâng cao chất lượng nông sản và giá bán. Vì sản phẩm làm ra không còn dư lượng hóa học độc hại nữa.
.jpg)
Không chỉ thay đổi phương pháp chăm sóc, anh Việt còn thay đổi toàn bộ cách thu hái, chế biến cà phê. Trước đây, giống như nhiều hộ nông dân khác, anh cũng hái cà phê đồng loạt khi tới vụ thu hoạch, không phân biệt quả chín, quả xanh. Cà phê sau khi hái được bán thô, không qua sơ chế, giá cả bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường.
Giờ đây, anh chọn cách chờ cà phê chín hoàn toàn mới bắt đầu thu hoạch. Quy trình chế biến cũng được anh đầu tư kỹ lưỡng theo hướng cà phê chất lượng cao bằng các phương pháp chế biến ướt, chế biến mật ong, phơi trong nhà kính, sàng lọc kỹ từng mẻ.
Sự cẩn thận ấy đã giúp sản phẩm cà phê của anh có sự khác biệt rõ rệt. Không chỉ thơm ngon hơn, cà phê của anh Việt còn được các thương lái, đối tác tìm đến tận nơi để thu mua với mức giá cao hơn thị trường từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Mỗi năm, anh thu hoạch và sản xuất được khoảng 15 tấn cà phê nhân chất lượng cao. Cà phê của anh có thể đưa ra giá mong muốn để các nhà rang xay thu mua.
.jpg)
Bên cạnh nguồn cà phê của gia đình, anh còn thu mua cà phê tươi chín 100% từ người dân địa phương nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng cao, góp phần nâng giá trị hạt cà phê.
Quá trình từ chăm sóc đến thu hoạch và sơ chế đã được anh Việt chủ động áp dụng, giúp anh nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, giảm thiểu được chi phí đầu tư và tăng giá bán.
Năm 2024, anh Việt thu được hơn 20 tấn cà phê, 4 tấn hồ tiêu. Hiện nay 500 cây bơ của gia đình anh đang vào vụ thu hoạch.
Kinh tế nông nghiệp bền vững
Đắk Nông có trên 378.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong kinh tế nội tỉnh Đắk Nông. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày càng có nhiều nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm.
.jpg)
Từ chỗ sản xuất theo kiểu “kinh nghiệm tích lũy, biết gì làm nấy”, nông dân đã chủ động đi học hỏi, chú trọng hơn đến yếu tố môi trường, chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Trong thời gian dài nông sản sản xuất theo kiểu truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế, giá bán không ổn định, phụ thuộc thị trường quốc tế khiến người nông dân thu nhập bấp bênh.
Chính vì vậy, việc giảm sử dụng hóa chất, tận dụng phụ phẩm, phát triển nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ môi trường đất, nước, hệ vi sinh - yếu tố sống còn cho cây trồng.
Sản xuất nông nghiệp từng bước đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp chế biến.
Đến nay, Đắk Nông đã có trên 95.000ha cây trồng ứng dụng và ứng dụng một phần công nghệ cao với sản lượng trên 400.000 tấn/năm. Trong đó, trên 29.000ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận.
.jpg)
Đắk Nông đã hình thành 73 liên kết thuộc 10 ngành hàng nông sản với 9.800 hộ dân tham gia. Sản xuất nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng toàn diện, phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng và hiệu quả cao hơn, nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao được Nhân dân áp dụng vào sản xuất.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp theo hướng toàn diện, phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Những người trực tiếp sản xuất đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại và hiệu quả. Nông dân thay đổi tư duy, biết áp dụng kỹ thuật và đầu tư chiều sâu, để làm nông nghiệp không chỉ là “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà còn là con đường làm giàu chân chính, bền vững.
Đắk Nông có diện tích cà phê khoảng 142.000ha, sản lượng 361 ngàn tấn/năm; hồ tiêu 34.000ha, sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm; cao su 19.000ha, sản lượng khoảng 30.000tấn/năm; điều xấp xỉ 17.000ha, sản lượng khoảng 13.000tấn/năm. Cây ăn quả, gần 25.000ha, sản lượng trên 80.000 tấn/năm...