Nông dân Đắk Nông tưới nước bằng năng lượng mặt trời
Nhiều hộ nông dân ở Đắk Nông đầu tư hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời để chủ động và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Nhiều người dân sản xuất nông nghiệp tại Đắk Nông phải sử dụng máy nổ chạy dầu diesel để tưới nước vào mùa khô cho cây trồng với chi phí nhiên liệu cao và công suất không ổn định.
Những năm gần đây, người dân đã đầu tư sử dụng hệ thống bơm tưới bằng điện năng lượng mặt trời. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu ích, giúp nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất.
.jpg)
Anh Nguyễn Chí Long, ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp có 3ha chanh dây, trước đây anh phải sử dụng máy bơm chạy dầu để tưới nước cho cây trồng vì khu vực rẫy chưa có điện 3 pha. Mỗi ngày, anh Long tốn khoảng 500.000 đồng tiền dầu để vận hành hệ thống tưới.
Đầu mùa khô năm nay, anh Long quyết định đầu tư 110 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 16kW. Hệ thống này có thể hoạt động ổn định trong 15 năm, giúp anh chủ động sản xuất mà không lo về giá nhiên liệu biến động.
Anh Long đánh giá, hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời giúp tôi tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất so với trước đây. Tưới nước cho cây trồng trở nên chủ động hơn, không lo mất điện hay giá dầu tăng. Cây trồng phát triển tốt hơn nhờ được tưới nước đều đặn, năng suất và chất lượng sản phẩm được duy trì ổn định.
.jpg)
Tương tự, anh Nguyễn Công Đầu, ở xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’lấp cũng gặp nhiều khó khăn khi rẫy của anh cách nhà 7km và chưa có lưới điện kéo tới. Trước đây, anh Đầu phải sử dụng dầu để vận hành hệ thống tưới tiêu cho 3ha cây trồng với mức chi phí cao.
Năm 2022, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, anh đã đầu tư 62 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời công suất 10kW để bơm tưới. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, đầu mùa khô năm nay anh tiếp tục đầu tư thêm 60 triệu đồng để mở rộng công suất, phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ 6ha trồng chanh dây, cà phê và sầu riêng. Nhờ hệ thống này, anh có thể bơm tưới cả ngày với chi phí thấp, giúp cây trồng phát triển tốt hơn.
Anh Đầu chia sẻ, trước đây, anh phải phụ thuộc vào dầu để bơm nước, chi phí rất tốn kém. Từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, anh tiết kiệm được nhiều chi phí và có thể tưới cây bất cứ lúc nào mà không lo gián đoạn. Cây trồng phát triển tốt hơn, thu nhập cũng ổn định hơn.
.jpg)
Một trong những lợi thế lớn nhất của điện mặt trời là vòng đời dài, trung bình từ 15 - 20 năm. Sau khi hoàn vốn trong khoảng 3 - 5 năm, phần chi phí còn lại chủ yếu là bảo trì định kỳ. Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng tái tạo đang được ngành chức năng khuyến khích đưa vào sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thị trường năng lượng tái tạo phát triển, các giải pháp như điện mặt trời kết hợp tưới tiêu tự động sẽ trở thành xu hướng chủ đạo, mang lại giá trị bền vững. Việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
So với việc sử dụng máy nổ chạy dầu hoặc điện lưới, hệ thống điện mặt trời giúp giảm lượng khí thải đáng kể, hạn chế ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp xanh, bền vững mà Việt Nam đang hướng tới.
Ngoài ra, hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời còn giúp tăng hiệu suất sử dụng nước khi nước được đưa tới từng gốc cây, giúp tưới đúng lượng nước cần thiết, tránh lãng phí.
Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khi nhiều khu vực tại Tây Nguyên phải đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài.
Đắk Nông đã có 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tỉnh phấn đấu đến năm 2030 hình thành thêm 25 vùng, với diện tích trên 10.000ha; định hướng đến năm 2050, hình thành 35 vùng, với quy mô trên 14.300ha.