Nông dân Đắk Nông trồng chuối thu nhập 300 triệu đồng/ha
Gia đình ông Vũ Bá Chiến, thôn 7, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã chuyển đổi 2ha đất hoa màu sang trồng chuối Thái và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định, ông Vũ Bá Chiến luôn tìm hiểu, thử nghiệm các mô hình làm kinh tế hiệu quả trên vườn rẫy của gia đình. Ông đã đi nhiều nơi, tham khảo về các giống cây trồng mới, nhưng chưa đem lại thành công.
Sau nhiều năm tìm tòi, ông Chiến tình cờ phát hiện giống chuối Thái được nhiều địa phương các tỉnh miền Bắc trồng và cho thu nhập cao. Ông đã liên hệ và mua giống chuối này về trồng. Ban đầu, ông chỉ thử nghiệm trồng vài sào. Khi nhận thấy giống cây này phù hợp ở địa phương, nên ông quyết định mở rộng diện tích.
Ông Chiến đã cải tạo toàn bộ diện tích đất trồng cà phê, hoa màu kém hiệu quả chuyển sang trồng chuối Thái. Đồng thời, ông đầu tư hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước cho toàn bộ 2ha chuối. Ông Chiến vui vẻ cho biết: “So với trồng hoa màu, trồng chuối Thái cho thu nhập cao hơn rất nhiều lần”.
Theo ông Chiến, để cây chuối sinh trưởng, phát triển ổn định, ông đã lắp đặt hệ thống nước tưới đến từng bụi chuối để chủ động cung cấp nước đầy đủ cho cây. Nhờ giữ được ẩm độ, bón phân đầy đủ nên năng suất, chất lượng chuối khá cao.
Vườn chuối Thái của gia đình ông Chiến nhờ được chăm sóc tốt, nên cây cho trái đồng đều, mẩy, đẹp, bán được giá. Các thương lái đến tận vườn thu mua với số lượng lớn.
Theo ông Chiến, cây chuối Thái cho năng suất cao gấp 2-3 lần so với các giống chuối mốc, chuối sứ địa phương. Việc chăm sóc lại dễ dàng, ít tốn công, chi phí thấp. Cây ít bị sâu bệnh, nên việc dùng thuốc bảo vệ thực vật không nhiều.
Trung bình 1ha chuối cho năng suất khoảng 40 tấn trái. Với giá bán tại vườn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, vườn chuối đã giúp ông có nguồn thu hơn 300 triệu đồng/năm/ha.
Ông Chiến cho biết thêm, cây chuối Thái trồng sau 12 tháng cho thu hoạch. Do đặc tính cây chuối Thái phát triển nhanh, cần nguồn dinh dưỡng lớn, nên cần theo dõi kỹ quá trình sinh trưởng của cây để từ đó có biện pháp chăm sóc, bón phân phù hợp.
Mỗi năm, ngoài bón hai đợt phân tổng hợp vào thời điểm chuối ra hoa và sau thu hoạch, còn phải bón thêm kali để giúp cho cây chuối cứng cáp, ít sâu bệnh, giúp cây ra buồng có mẫu mã đẹp.
Ngoài ra, nếu cây chuối có màu vàng cần bón thêm phân đạm để cây khỏe, cho quả to, đều và đẹp. Chuối sau 2 vụ thu hoạch sẽ phải đốn bỏ hoàn toàn để trồng lại.
Điều quan trọng là phải thực hiện bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách). Trong quá trình chăm sóc cần chú ý vệ sinh vườn, cắt tỉa lá, không để lá chạm quả...
Đến mùa mưa bão, cần tỉa bớt lá những cây có buồng trái già để cây khỏi bị ngã đổ khi có gió lớn. Có thể dùng dây thừng buộc các cây chuối lại với nhau, tạo sự liên kết chắc chắn khi có gió bão.
Hiện nay, từ hiệu quả trồng chuối của gia đình ông Chiến, nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã đến tìm hiểu, học hỏi để áp dụng theo.
Theo ông Đỗ Lần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng, cây chuối Thái rất phù hợp với điều kiện tại địa phương. Việc chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối Thái vừa giúp nông hộ tiết kiệm được công chăm sóc mà đất nông nghiệp lại không bị bỏ hoang.
“Mô hình trồng chuối Thái của ông Vũ Bá Chiến được xem là mô hình kinh tế có hiệu quả, được các ban, ngành, đoàn thể xã Tâm Thắng đánh giá cao và có hướng vận động nông dân tham gia để nhân rộng trên địa bàn”, ông Đỗ Lần cho biết thêm.