Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) đang được nông dân Đắk Nông tiếp cận nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cà phê.
Những năm qua, do tình trạng BĐKH, mức đầu tư tại các vùng trồng cà phê ở Đắk Nông ngày càng cao. Trong đó, vì để cà phê mang lại lợi nhuận, nông dân sử dụng quá nhiều phân bón, phun xịt quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, lãng phí nguồn nước tưới...
Cùng với những tác động của nắng nóng, mưa bất thường, vườn cây phát sinh bệnh hại, năng suất kém. Hạn hán cũng thường xuyên xảy ra, khiến người trồng cà phê đối mặt với nhiều khó khăn.
Năm 2023, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Trung tâm Khuyến Nông - Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông triển khai mô hình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với BĐKH tại 5 tỉnh Tây Nguyên”.
Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% phân bón NPK và được hỗ trợ nghiên cứu phân tích chất đất, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật bón phân, tưới nước hợp lý cho từng loại cây trồng.
Theo Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông, đơn vị lựa chọn các vườn cà phê trồng xen cây ăn trái bảo đảm các tiêu chí về môi trường, xã hội, kinh tế để xây dựng mô hình canh tác thông minh. Trong đó, mô hình chú trọng đến các vườn trồng xen và để thảm thực vật.
Là hộ được tham gia mô hình với vườn cà phê trồng xen sầu riêng, ông Phạm Duy Hồng, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông), cho hay: “Trước đây, tôi chăm sóc cà phê, sầu riêng chỉ dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khi được tham gia chương trình canh tác cà phê thông minh, tôi được hướng dẫn kỹ thuật mới nên cây trồng phát triển tốt hơn”.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông - Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông, Trung tâm đã lựa chọn các vườn cà phê trồng xen cây sầu riêng bảo đảm các tiêu chí về môi trường, xã hội, kinh tế để triển khai biện pháp canh tác thông minh.
“Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trong điều kiện BĐKH như hiện nay, người dân cần thay đổi phương thức canh tác và nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo các tiêu chuẩn nhất định”, ông Chương cho biết.
Theo đó, chế độ chăm sóc cho cây ở từng giai đoạn khác nhau thì lượng phân bón, nước tưới khác nhau. Chính vì vậy, khi thực hiện mô hình, đất canh tác tại các vườn được lấy mẫu phân tích về độ phì nhiêu nhằm có công thức bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý, góp phần tránh được sự mất cân đối độ phì nhiêu trong đất sau một thời gian sử dụng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp (WASI) cho biết thêm, Đắk Nông có 3 mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với BĐKH.
Mục tiêu đặt ra của chương trình là giúp các vùng trồng cà phê cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, chương trình còn giúp người dân sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm nước tưới, tăng năng suất, tăng tính cạnh tranh trên cây cà phê.
Sau khi chương trình kết thúc (năm 2025), WASI sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng quy trình chuẩn về phân bón, tưới nước đối với vườn trồng xen và trồng thuần cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên.
"Sau khi có quy trình chính thức, WASI sẽ chuyển giao cho các địa phương để triển khai cho người dân học tập, nhân rộng", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa cho hay.
Đắk Nông hiện có 140.000ha cà phê, sản lượng đạt 240.000 tấn/năm, đứng thứ ba khu vực Tây Nguyên. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Nông đạt hơn 400 triệu USD, chiếm 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất cà phê cũng đóng góp gần 35% vào GRDP của Đắk Nông, tạo việc làm cho hơn 105.000 lao động.