Nông nghiệp - Nông thôn

Nông dân Đắk Nông thoát nghèo nhờ mô hình kinh tế điểm

Kim Ngân 06/07/2023 06:24

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các cấp hội nông dân đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

dsc_0464(1).jpg
Nhân công đóng bịch nấm tại trại nấm của ông Nguyễn Văn Luân, ở thôn 5, xã Tâm Thắng (Cư Jút)

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Luân, ở thôn 5, xã Tâm Thắng (Cư Jút) chủ yếu trồng hoa màu. Nhưng do ít đất đai, nên hiệu quả kinh tế không cao.

Do vậy, gia đình ông chuyển sang trồng nấm. Năm 2020, ông Luân được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Từ đó,  ông đã mở rộng quy mô trại nấm lên 2.000m2.

Theo ông Luân, trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với một số loại cây nông nghiệp khác. Đồng vốn thu hồi nhanh, vì chu kỳ sản xuất nấm chỉ trong vòng 3 tháng.

Cụ thể, nấm mộc nhĩ có chu kỳ phát triển 3 tháng, nấm sò hơn 45 ngày. Ông Luân đang đầu tư trồng từ 30.000 – 40.000 bịch nấm mộc nhĩ.

Theo dự tính, với mô hình này, ông thu được sản lượng khoảng từ 2 - 3 tấn nấm. Với giá bán trên dưới 100.000 đồng/kg nấm, trừ chi phí, ông có lãi trên 100 triệu đồng.

Ngoài trồng nấm mộc nhĩ, trại nấm của gia đình ông Luân còn thường xuyên gối đầu từ 3.000 - 4.000 bịch nấm bào ngư, nấm sò để có thu nhập hàng ngày.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Rồng, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cũng được hội nông dân địa phương cấp cho 1 con bò giống sinh sản để chăn nuôi, tăng thu nhập.

Năm 2021, sau khi nhận bò giống, ông Rồng chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của của ngành thú y để bò có thể phát triển, sinh sản tốt. Đến nay, bò đã sinh sản được 2 bê con.

dsc_0312(1).jpg
Người nghèo ở bon Păng Sim, xã Trường Xuân (Đắk Song) được hỗ trợ bò giống,

Ông Rồng cho biết: “Gia đình tôi sinh sống tại địa phương từ cuối năm 2012. Do thiếu đất sản xuất nên cuộc sống còn khó khăn. Khi Nhà nước cấp bò để nuôi gia đình tôi rất vui mừng và cố gắng chăm sóc để làm vốn liếng sau này”.

Từ đầu năm đến nay, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội nông dân đã triển khai 225 mô hình kinh tế, với cho 1.830 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư đạt 59 tỷ đồng.

Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Agribank giải ngân cho 10 khách hàng triển khai các mô hình phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 1,8 tỷ đồng.

Theo Hội Nông dân tỉnh, thông qua nguồn quỹ, nhiều mô hình kinh tế thiết thực đã được triển khai hiệu quả, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Nổi bật như mô hình hỗ trợ trồng cây mắc ca cho 6 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Quảng Trực (Tuy Đức), mỗi hộ được hỗ trợ 100 cây giống.

Mô hình trồng gấc tại xã Cư K'nia (Cư Jút) gồm cho 30 nông dân tham gia, với tổng vốn hỗ trợ là 750 triệu đồng. Mô hình đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo từ chăn nuôi bò tại xã Đắk Ha (Đắk Glong)...

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với nông hộ, vùng sản xuất và đáp ứng nhu cầu giảm nghèo bền vững.

Trong đó, có các mô hình kinh tế mang lại nhiều triển vọng sẽ được phổ biến rộng rãi. Cụ thể như mô hình nuôi ruồi lính đen tại xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), chăn nuôi bò lai sinh sản tại xã Nam Dong (Cư Jut), trồng cà phê xen canh sầu riêng tại xã Hưng Bình (Đắk R’lấp), nuôi dê tại xã Quảng trực (Tuy Đức), sử dụng chế phẩm vi sinh vật trong canh tác rau hữu cơ tại Đắk Buk So (Tuy Đức)...

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nông dân Đắk Nông thoát nghèo nhờ mô hình kinh tế điểm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO