Nông dân Đắk Nông canh tác hồ tiêu thích ứng biến đổi khí hậu
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại kết quả cao.
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững kết hợp sử dụng than sinh học tại các địa bàn có diện tích hồ tiêu lớn của tỉnh.
Qua đánh giá của trung tâm, vườn hồ tiêu tham gia mô hình cho thấy cây sinh trưởng và phát triển khỏe hơn, lá có màu xanh đậm, cành, nhánh phát triển đều, bộ rễ sinh trưởng tốt hơn với nhiều rễ tơ hơn và có màu trắng.
Ông Nguyễn Văn Vinh ở xã Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa có hơn 2ha trồng hồ tiêu xen với cà phê. Những năm qua, ông Vinh thường xuyên sử dụng than sinh học để bổ sung cho đất, kết hợp với phân vi sinh, giúp vườn cây phát triển ổn định.
Ông Vinh cho biết: “Khi tham quan các vườn hồ tiêu tại huyện Đắk Song, tôi nhận thấy việc bổ sung than sinh học giúp vườn cây phát triển khá tốt, nên tôi đã bón cho vườn cây của gia đình.”
Cũng theo ông Vinh, để có nguồn than sinh học, ông đã liên hệ với các cơ sở sản xuất than tại tỉnh Đồng Nai để mua với số lượng lớn. Nhiều năm qua, vật liệu này đã trở thành điều không thể thiếu đối với gia đình ông.
Theo thông số kỹ thuật tại các mô hình khảo nghiệm, việc sử dụng than sinh học giúp tỷ lệ nhiễm bệnh trên hồ tiêu thấp hơn so với vườn đối chứng từ 10 - 20%, nhất là các bệnh về rễ.
Đất có than sinh học có độ tơi xốp và khả năng thoát nước nhanh hơn so với vườn đối chứng. Năng suất trung bình của các vườn tiêu đạt 4 tấn/ha, trong khi các vườn không sử dụng chỉ đạt 3,3 tấn/ha.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Huấn luyện – Chuyển giao, Trung tâm Khuyến nông và giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, than sinh học còn được mệnh danh là “vàng đen” vì những tác dụng quý báu của nó đối với nông nghiệp và môi trường.
Với đặc tính như một bể chứa carbon tự nhiên, than sinh học giúp cô lập và giữ khí CO2 trong đất. Đặc tính xốp của than sinh học cũng giúp đất giữ nước, giữ dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất.
Thời gian qua, nhiều nông hộ đã áp dụng phương pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây trồng, đạt hiệu quả cao. Phương pháp tưới này giúp nông dân tiết kiệm nước tưới, chi phí đầu tư và bảo vệ tài nguyên nước.
Ông Diệp Kỳ Khìn ở thôn Đắk Quang, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil cho biết: “Từ khi lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm, tôi không phải đi tưới từng gốc. Tưới tự động tiết kiệm chỉ bằng một phần hai thời gian so với tưới trực tiếp vào gốc, nên không lãng phí nguồn nước.”
Phương pháp tưới tiết kiệm nước giúp người dân tiết kiệm được 30% lượng nước tưới, tiết kiệm từ 50 – 60% chi phí so với phương pháp tưới truyền thống. Bên cạnh đó, nhà vườn cũng tiết giảm 70% công lao động và lượng phân bón giảm hơn 20%.
Diện tích hồ tiêu Đắk Nông hiện ở mức 34.000ha, năng suất bình quân khoảng 2,4 tấn/ha; tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 70.000 tấn/năm.
Đắk Nông đã có 547ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ, khoảng 332 ha áp dụng quy trình GAP. Tỉnh định hướng canh tác hồ tiêu bền vững khoảng 34.000ha vào năm 2025, sản lượng 52.000 tấn và và đến năm 2030 đạt 33.000 ha, sản lượng 60.000 tấn.
Nguồn: Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông
Đến năm 2023, Đắk Nông đã có 24 cơ sở sản xuất hồ tiêu đạt chuẩn, với diện tích 3.144ha; 2 vùng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, huyện Đắk Song.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, việc tăng cường các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất hồ tiêu không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà góp phần phát triển bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.