Nông dân Đắk Nông ăn, ngủ cùng sầu riêng
Sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Đắk Nông. Thế nhưng, quá trình chăm sóc sầu riêng phải trải qua rất nhiều thử thách, vất vả.
Ăn, ngủ cùng sầu riêng
Những ngày này, đến thăm các vùng trồng sầu riêng lớn của Đắk Nông, đến đâu cũng nghe câu chuyện làm hãm đọt, bông, làm trái… sầu riêng của bà con nông dân.
Có một số nơi, cứ mỗi sáng sớm, các hộ trong cùng mã số vùng trồng lại tụ tập bên tách trà, ly cà phê để trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng trái sầu riêng, trước khi ra vườn.
.jpg)
Gia đình ông Phan Văn Luyện ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) có hơn 3ha sầu riêng xen canh cà phê. Hơn một tháng nay, thời tiết Gia Nghĩa khá lý tưởng để sầu riêng thụ phấn.
Tuy nhiên, do điều kiện nắng nóng, độ ẩm cao nên một số loại sâu hại, côn trùng cũng phát sinh trong vườn cây. Do đó, gia đình ông Luyện hầu như túc trực ngày đêm trên vườn sầu riêng.
Ông Luyện cho biết: “Sau 4 năm gắn bó với cây sầu riêng, tôi mới nhận thấy chưa có loại cây trồng nào phải vất vả, cực nhọc như vậy. Chúng tôi ăn ngủ cùng cây sầu riêng. Để sầu riêng đậu trái, đạt kích cỡ, chất lượng xuất khẩu, tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi”.
Theo ông Luyện, từ khi thu hoạch xong, nhà vườn liền xắn tay vào chăm sóc cho vườn sầu riêng phục hồi trở lại. Cứ từ 5 - 10 ngày là phun phân bón lá, thuốc phòng nấm bệnh, sinh vật gây hại. Đến thời điểm hoa sầu riêng nở phải đi thụ phấn cho từng cụm hoa đến tối mịt mới về.
.jpg)
Chưa kể, giai đoạn này thường xuất hiện côn trùng, rầy rệp gây hại như nhện đỏ, rệp sáp, nấm bệnh hại rễ, hại thân… “Chúng tôi gần như ăn ngủ cùng vườn sầu riêng. Nếu chỉ cần một ly sơ sẩy, cây sầu riêng bị bệnh dẫn đến rụng trái non thì coi như thua lỗ”.
Theo bà Nguyễn Thị Lan ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, qua kinh nghiệm chăm sóc, hiện tượng sầu riêng rụng trái non có rất nhiều nguyên nhân.
Để vườn sầu riêng hơn 1,5ha của gia đình đạt hiệu quả, bà Lan đã thuê kỹ sư giàu kinh nghiệm đến chăm sóc vườn. Cứ định kỳ 5 - 7 ngày, người này đến vườn hướng dẫn bà Lan bón phân, phun thuốc phòng bệnh cho vườn sầu riêng.
.jpg)
Theo các nhà vườn, trồng sầu riêng lúc nào cũng nơm nớp, lo lắng, khi thấy một chiếc lá ngả vàng, một chùm bông rụng. Những hiện tượng bất thường của vườn cây cộng với thời tiết mưa nắng bất thường, sâu bệnh phát sinh khiến người trồng không ít lần thót tim.
Phát triển sầu riêng sinh thái, bền vững
Đắk Nông có khoảng 12.000ha sầu riêng. Trong đó, diện tích kinh doanh ước đạt gần 4.600 ha và tổng sản lượng gần 50.000 tấn. Trên địa bàn tỉnh hiện đang hình thành các vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao.
Các cấp, ngành chuyên môn cũng đang tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, hướng tới phát triển vùng trồng sầu riêng sinh thái, bền vững.
.jpg)
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác sầu riêng đã và đang mang lại nhiều hiệu quả.
Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ người dân ứng dụng rộng rãi các biện pháp sản xuất như: sản xuất theo tiêu chí GAP, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel; sử dụng các chế phẩm, phân bón vi sinh trong canh tác; áp dụng biện pháp phủ bạt nilon kết hợp xử lý rải vụ...
.jpg)
“Sản xuất sầu riêng theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm nông sản đứng vững trên thị trường. Đây cũng là hướng đi giúp nông dân Đắk Nông tiếp cận với giải pháp phát triển sầu riêng sinh thái, bền vững”, ông Chương cho biết thêm.
Năm 2024, Đắk Nông có 258,3ha sầu riêng đạt các tiêu chuẩn, với tổng sản lượng 1.708 tấn. Trong đó, diện tích sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP là 238,3ha (chiếm 92,3%), với sản lượng 1.570 tấn. Diện tích sầu riêng đạt chứng nhận hữu cơ là 20ha, sản lượng 138 tấn.