Kinh tế

Nông dân Đắk Glong khấm khá nhờ chuyển đổi cây trồng

Nguyễn Lương 01/03/2023 17:59

Những năm qua, nhiều nông dân huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nâng cao giá trị sản xuất. Từ đây, người dân tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

Gia đình chị Nông Thị Lan, xã Đắk Som, đã có cuộc sống ổn định hơn từ khi chuyển đổi một số loại cây trồng sang trồng dâu nuôi tằm.

Theo chị Lan, trước đây, hơn 5 sào đất được gia đình chị trồng cà phê. Vốn đầu tư ít, nên vườn cây còi cọc, năng suất thấp. Năm 2019, chị quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích cà phê sang trồng dâu nuôi tằm.

img_9284-2-.jpg
Nhiều gia đình có thu nhập khá khi chuyển đổi diện tích cây trồng kém năng suất sang trồng dâu nuôi tằm

“Trồng dâu nuôi tằm không cần vốn nhiều. Để tằm phát triển tốt, gia đình đã thay đổi cách nuôi tằm truyền thống trên nong, né sang nuôi trên các khay”, chị Lan cho biết.

Cứ trung bình 1 sào dâu chị nuôi được 1 hộp tằm giống. Một hộp tằm cho khoảng 50 kg kén. Trung bình một năm có khoảng 10 lứa tằm. Với mức giá ổn định, hiện nay, gia đình chị Lan đã thoát được hộ nghèo, cuộc sống ổn định hơn.

“Trồng dâu nuôi tằm thuận lợi nhiều hơn so với trồng cà phê. Tôi cảm thấy yên tâm với nghề mới”, chị Lan chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Văn Tài, xã Quảng Khê cho biết, trước đây, khu vườn của gia đình ông chỉ độc canh cây điều. Vườn điều thường xuyên sâu bệnh, năng suất không cao.

img_0714-1-.jpg
Nông dân Đắk Glong áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn cây để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm

Năm 2018, gia đình ông quyết định chuyển đổi dần diện tích điều sang trồng sầu riêng. Để việc chăm sóc thuận tiện, tất cả diện tích sầu riêng được ông lắp đặt hệ thống tưới nước hiện đại.

Ông còn tìm hiểu trên sách báo, các phương tiện truyền thông, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo… về kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhờ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, gia đình ông đã thành công trong chăm sóc gần 1ha sầu riêng và có thu nhập cao.

“Riêng năm 2022, với diện tích gần 1 ha sầu riêng, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về gần 200 triệu đồng”, ông Tài chia sẻ.

Tích cực hỗ trợ người dân

Theo UBND huyện Đắk Glong, diện tích gieo trồng tại địa phương vào khoảng hơn 32.500 ha. Trong đó, diện tích cây lâu năm trên 27.700 ha. Số còn lại là cây hàng năm.

Những năm gần đây, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đối với những diện tích cà phê, điều già cỗi, năng suất thấp, người dân thay thế bằng trồng dâu, nuôi tằm hoặc các loại cây ăn quả.

Cùng với sự mạnh dạn của người dân, về phía địa phương tích cực thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đến nay, diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 1.500 ha, chiếm 6,8% diện tích cây trồng toàn huyện.

img_0705(1).jpg
Nhiều người dân Đắk Glong mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để vươn lên thoát nghèo

Theo Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Hiện nay, mức thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 39,25 triệu đồng/người/năm. Đến cuối 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 26,72% theo tiêu chí mới.

“Chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết để hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đây, tiềm năng, lợi thế của địa phương từng bước được phát huy”, ông Thuần cho biết.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nông dân Đắk Glong khấm khá nhờ chuyển đổi cây trồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO