Tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt khoảng 12.000 ha, sản lượng gần 70.000 tấn. Vùng trồng lúa tập trung nhiều nhất ở huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Glong và Tuy Đức.
Phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh được sản xuất bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao như ST24, ST25.
Đa số các cánh đồng trên địa bàn xã Cư K’nia (Cư Jút), Buôn Choáh (Krông Nô) đều được cơ giới hóa khâu thu hoạch. |
Đầu tư cho chất lượng
Bước vào vụ mới, nông dân và chính quyền các địa phương đều sẵn sàng trong tâm thế cầm chắc phần thắng trong tay. Trên các cánh đồng, bà con quan tâm sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Địa phương thì kết nối với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng lúa thương phẩm.
Gia đình ông Hà Văn Sơn ở thôn 1, xã Cư K’nia, vụ này xuống giống 3 sào lúa. Đây là vụ thứ 2 ông Sơn sử dụng giống ST 24 để gieo sạ. Ông Sơn cho biết, vụ hè thu vừa rồi, giống ST 24 được Hội Nông dân xã chuyển giao cho người dân sản xuất đồng loạt đã thắng lớn.
Ưu thế của giống lúa này là giúp giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận nhờ năng suất vượt trội. Trong cả vụ, ông chỉ bón 6 kg kali, 6 kg urê cho 1 sào lúa, thấp hơn các giống lúa khác 4 kg phân bón mỗi loại.
Còn bà Phạm Thị Tuyến, ở thôn 2, xã Cư K'nia, tỏ ra bất ngờ khả năng kháng bệnh, năng suất đạt được của giống lúa này. Bà Tuyến hồ hởi cho hay: “Giống lúa ST 24 cho năng suất, chất lượng gạo thơm ngon, nên lúa thương phẩm được thương lái mua hết. Năng suất ST 24 đạt từ 7 – 8 tấn/ha, giá bán cao hơn giống lúa khác từ 1.000 – 2.000 đồng/kg”.
Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K’nia, vụ này, xã Cư K’nia triển khai cho bà con xuống giống 80 ha lúa ST 24. Ngoài xã Cư K’nia, trên các cánh đồng tại các xã Đắk D’rông, Nam Dong, Trúc Sơn… bà con nông dân cũng sử dụng giống lúa ST 24 gieo sạ khá nhiều.
Nông dân xã Cư K’nia (Cư Jút) phấn khởi đón nhận giống lúa mới ST 24. |
Hướng đến sản xuất an toàn
Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng cánh đồng mẫu, gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hợp tác xã (HTX) Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh được xem là cánh chim đầu đàn trong việc nâng tầm lúa gạo Krông Nô. Đến nay, với diện tích canh tác của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 170 ha, sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm.
HTX đã chuẩn bị tốt thu hoạch, đầu tư máy móc thiết bị trong chế biến, cải tiến mẫu mã bao bì… giúp nâng cao chất lượng thương phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với nỗ lực không ngừng, sản phẩm gạo ST 24 của HTX đạt “4 sao” theo tiêu chuẩn OCOP.
HTX Nông nghiệp Buôn Choáh liên kết với Công ty TNHH Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGG) triển khai dự án trồng lúa, cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, sản phẩm của HTX đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh Ðắk Nông. Ðặc biệt, sản phẩm của HTX vừa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Lợi nhuận sản xuất lúa bình quân của HTX đạt từ 66 - 70 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. |
HTX Nông nghiệp Buôn Choáh là đơn vị ra đời sau, nhưng quy mô sản xuất lúa được thực hiện theo chuỗi liên kết, có nhiều ưu thế nhất định. Theo bà Trần Thị Vân, Trưởng Ban quản lý VietGAP của HTX, hiện nay, đơn vị đã hình thành vùng sản xuất lúa VietGAP với tổng diện tích trên 440 ha, sản lượng ước đạt trên 3.372 tấn, với 304 hộ tham gia.
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, trong năm 2020, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện đánh giá hầu hết các chương trình VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh do Hội chủ trì. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục xúc tiến triển khai Chương trình VietGAP ở nhiều vùng sản xuất khác để giúp nông hộ nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, bảo đảm an toàn thực phẩm, ổn định thị trường đầu ra…