Gia đình ông Trịnh Văn Thu, ở thôn 3, xã Trường Xuân (Đắk Song) có 5 ha đất. Trên diện tích đất này, ông Thu trồng thuần 2.000 cây cà phê và 2.000 trụ tiêu.
Ông Thu cho biết, năm nay thu được hơn 1 tấn tiêu, trong khi năm ngoái thu được 7 tấn. Kết quả này không đủ chi phí sản xuất và trả công thu hoạch.
Dù thua lỗ, nhưng ông vẫn khẩn trương thu hái để phục hồi, chăm sóc vườn tiêu nhằm hướng tới vụ sau. Để duy trì sản xuất, ông đang tính nhân rộng đàn dê hơn 20 con, từ đó tạo nguồn thu, giảm chi phí phân bón.
Ông Thu cho biết, đây cũng là cơ hội để ông chuyển đổi sang phương thức sản xuất hồ tiêu thuận tự nhiên, giảm dần sự tác động phân thuốc hóa học cho cây trồng.
Vườn tiêu của anh Ky có 2.000 trụ, vụ này chỉ thu hoạch được hơn 1,5 tấn tiêu |
Tương tự, anh Lại Văn Ky, ở thôn 4, xã Trường Xuân (Đắk Song), có 2.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch năm thứ 8. Vườn tiêu của anh đều, đẹp, mỗi trụ cao khoảng 5m.
Nói về vụ thu hoạch tiêu năm nay, anh Ky buồn bã cho biết: "Năm ngoái tôi thu được 10 tấn, năm nay thì thê thảm quá chỉ được hơn 1,5 tấn, trong khi nhân công thuê hái đã mất hơn nửa tấn tiêu rồi. Năm nay, tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng nhưng giờ coi như lỗ vốn".
Theo anh Ky, trước vụ thu hoạch năm nay, có thời điểm hồ tiêu hơn 80.000 đồng/kg. Còn hiện nay chỉ còn khoảng 55.000 đồng/kg. Ngoài việc giá thấp, mất mùa, chất lượng hồ tiêu năm nay cũng không đạt, nên hao hụt khá nhiều so với những năm trước.
Để ứng phó với tình trạng thu không đủ chi, anh Ky sẽ mở rộng quy mô đàn dê từ 60 con lên hơn 100 con. Việc mở rộng đàn dê vừa giúp anh có thu nhập, vừa có nguồn phân dồi dào để bón cho cây trồng.
Ngoài ra, anh Ky đang tính toán để chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên để nâng cao chất lượng, giá trị hồ tiêu khi bán ra thị trường.
Ngoài mất mùa, chất lượng hồ tiêu năm nay cũng giảm so với những năm trước |
Huyện Đắk Song có 13.795 ha hồ tiêu, trong đó, hồ tiêu kinh doanh 12.503 ha, tập trung ở các xã Thuận Hạnh, Thuận Hà, Nâm N’Jang, Đắk N’Drung, Nam Bình và Trường Xuân.
Nói về nguyên nhân hồ tiêu mất mùa, nhiều nông dân cho biết, năm ngoái mưa sớm, mùa khô ngắn, nên không có thời gian ép nước để kích thích cây ra hoa.
Thời gian sau đó lại mưa kéo dài liên tục, hoa hồ tiêu không phân hóa được, dẫn tới không đậu quả. Nhiều nông dân dù có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu, nhưng vẫn không khắc phục được.
Ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song cho biết, để sản xuất hồ tiêu bền vững, huyện Đắk Song tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho bà con nông dân.
Trong đó, thông qua các chương trình tập huấn, huyện sẽ chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồ tiêu cho bà con. Huyện lồng ghép các dự án, chương trình giúp nông dân sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu hiệu quả.
Hiện nay, có nhiều nông dân đang vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất hồ tiêu. Nhưng với thực tế sản xuất như năm nay, bà con đang rất lo lắng.
Người dân mong muốn được cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ. Trong đó, bà con mong được các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để có thêm điều kiện đầu tư khôi phục sản xuất vụ tới.