Nới “room” tín dụng để tăng vốn cho doanh nghiệp

Nguyễn Lương| 02/09/2022 05:26

Đến thời điểm này, hạn mức tín dụng tại các tổ chức tín dụng đa phần đạt chỉ tiêu Trung ương giao. Để phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19, các doanh nghiệp mong muốn hệ thống ngân hàng nới thêm “room” (giới hạn tín dụng) tín dụng để có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn.

Ngân hàng vào cuộc

Những tháng đầu năm 2022, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế. Hỗ trợ lãi suất cho vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ là một trong những giải pháp được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng. Với giải pháp này, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Ngay sau khi có chủ trương của Trung ương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã vào cuộc để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT (Agribank), Chi nhánh Đắk Nông là đơn vị sớm triển khai chính sách này đến các doanh nghiệp. Ngay từ đầu tháng 6/2022, Chi nhánh đã tổ chức triển khai quy định hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay này.

Hiện tại, đơn vị tích cực hỗ trợ các đối tượng khách hàng vay vốn đáp ứng đủ điều kiện với lãi suất ưu đãi theo đúng quy định. Có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận gói vay tại đơn vị, từng bước được tiếp sức để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 8/2022, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp tại Chi nhánh là trên 1.400 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ của đơn vị.

Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Chi nhánh Đắk Nông, cho vay doanh nghiệp tăng cao so với đầu năm. Theo đại diện đơn vị này, ngoài những đơn vị truyền thống, đơn vị tích cực tìm kiếm khách hàng mới để cho vay. Thủ tục, hồ sơ cho vay được Chi nhánh đơn giản hóa. Những doanh nghiệp đủ điều kiện đều được giải ngân vốn trong thời gian sớm nhất. Đến hết tháng 8/2022, dư nợ cho vay doanh nghiệp tại đơn vị đạt trên 1.800 tỷ đồng.

Nhân viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh hỗ trợ thủ tục cho khách hàng

Doanh nghiệp dần tiếp cận vốn giá rẻ

Thực tế, sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã, đang kỳ vọng nhiều hơn vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Công ty TNHH Tâm An (Cư Jút) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Tâm An, trước đây, đơn vị vận động vốn từ gia đình, bạn bè là chủ yếu. Sau khi nghe thông tin ngân hàng triển khai gói 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay mới, công ty khá phấn khởi.

“Tôi đã mạnh dạn tìm đến ngân hàng và nhanh chóng được tiếp cận gói vay này. Nguồn vốn “giá rẻ” đã giúp đơn vị mở rộng nhà xưởng, nhập thêm máy móc phục vụ cho công đoạn chế biến sâu nông sản”, ông Tâm cho biết.

Công ty TNHH MTV Hoàng Thịnh (Đắk Song) cũng đang tìm hiểu các gói vay ưu đãi lãi suất để tiếp cận. Theo ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Công ty, hiện nay, đơn vị đang vay vốn ngân hàng với lãi suất khoảng 11%/năm, theo hình thức thế chấp tài sản. Đơn vị rất mong muốn tiếp cận được các gói vay ưu đãi dễ dàng hơn, nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

“Hiện nay, nhiều loại chi phí vận tải, nguyên vật liệu đều tăng giá. Nếu được vay vốn “giá rẻ”, lãi suất thấp, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục duy trì sau thời gian “ôm lỗ” do ngừng sản xuất vì dịch bệnh”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến hết tháng 8/2022, trên địa bàn có gần 740 doanh nghiệp được vay vốn từ các tổ chức tín dụng để phục vụ sản xuất. Dư nợ cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp hơn 5.448 tỷ đồng, chiếm trên 14% dư nợ toàn ngành kinh tế. So với thời điểm đầu năm 2022, nguồn vốn cho vay doanh nghiệp tăng trưởng 7,22%.

Ngân hàng cần nới "room" tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ MDF Bison

Cần nới “room” tín dụng

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, kết quả tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2022 cho thấy, sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp vào hoạt động kinh tế. Các ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với vốn vay.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chỉ triển khai tăng trưởng tín dụng trong khuôn khổ chỉ tiêu được Hội sở chính giao. Đến thời điểm cuối tháng 8/2022, đa số các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hết hạn mức tín dụng được phép của năm 2022. Nhiều đơn vị đang chờ điều chỉnh từ Trung ương.

Như vậy, đồng nghĩa vấn đề “room” tín dụng của một số ngân hàng hiện không còn nhiều. Điều này tác động tới hoạt động cho vay, tiến độ giải ngân vốn vay đến khách hàng, đặc biệt là các gói vay vốn ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Trí Kỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được một số gói vay hỗ trợ. Một số trường hợp vẫn chờ động thái xét duyệt, giải ngân từ phía các ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang là bài toán khó, nhất là khi một số ngân hàng hiện đang gặp khó về “room” tăng trưởng tín dụng.

“Để doanh nghiệp có thể sớm tiếp cận nguồn vốn, rất mong các ngành chức năng có những phương án tháo gỡ nút thắt, tác động đến các ngân hàng thương mại để triển khai các gói tín dụng hỗ trợ, ưu đãi”, ông Kỷ cho biết.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trước thực tế này, đơn vị đề xuất với hệ thống cấp trên xem xét việc “nới room” tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định. Thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn cũng từng bước được rút ngắn. Cán bộ tín dụng tiến hành khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để phân nhóm các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có nhu cầu vay vốn mới.

“Trong trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất, ngân hàng phải có văn bản thông báo cho khách hàng. Nếu phát sinh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, các ngân hàng thương mại báo cáo ngay về Ngân hàng Nhà nước để kịp thời giải quyết”, ông Minh cho biết.

Tính đến hết tháng 8/2022, tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế trên địa bàn Ðắk Nông đạt hơn 38.100 tỷ đồng, tăng 10,37% so với đầu năm 2022. Trong đó, cho vay doanh nghiệp 738 tỷ đồng, chiếm 14,29% tổng dư nợ. Trong số này, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 3.985 tỷ đồng.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/noi-room-tin-dung-de-tang-von-cho-doanh-nghiep-94837.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/noi-room-tin-dung-de-tang-von-cho-doanh-nghiep-94837.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nới “room” tín dụng để tăng vốn cho doanh nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO