Nỗi niềm với trường học bỏ không tại Cư Jút (kỳ 1): Trường không hoạt động vì thiếu… học sinh

Thanh Hằng| 04/05/2022 08:26

Mỗi công trình trường học được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng khang trang, hiện đại, nay chỉ toàn cỏ dại, gây nhiều xót xa, tiếc nuối.

Trong khi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thiếu trường, thiếu lớp, thì 2 ngôi trường THPT tại huyện Cư Jút lại bỏ không nhiều năm. Xử lý tình trạng này như thế nào đang cần được ngành chức năng, chính quyền địa phương có giải pháp thỏa đáng, không để lãng phí ngân sách.

Hoang hóa, xuống cấp

Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2 nằm cách UBND xã Tâm Thắng (Cư Jút) chỉ chưa đầy 1 km nhưng nhiều năm học trôi qua, trường vẫn trong trạng thái “trong đóng, ngoài im”.

Được xây dựng trên diện tích hơn 3 ha với số tiền đầu tư cả chục tỷ đồng, song ngôi trường khang trang này gần như dừng hoạt động, trừ thời điểm được trưng dụng làm khu cách ly tập trung của xã Tâm Thắng trong năm 2021 để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngôi trường được xây dựng tại khu vực khá hẻo lánh, xung quanh là đồi núi. Vùng dân cư sinh sống ở xa, phải mất gần 30 phút di chuyển từ quốc lộ 14 mới có thể vào đến trường.

Gần 3 năm nay, Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2 rơi vào cảnh "trong đóng, ngoài im"

Công trình này gồm tòa nhà chính 3 tầng với 24 phòng học, nhà hiệu bộ cùng nhà đa năng rộng hàng trăm mét vuông. Sau một thời gian không sử dụng, một số hạng mục đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.

Ông Vũ Thế Trinh, người được thuê trông coi Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2 cho biết, trường học được xây dựng cách khu dân cư nhiều cây số, học sinh phải vào nơi hẻo lánh để học nên được một thời gian thì lần lượt xin chuyển. Sau hơn 1 năm về làm bảo vệ của trường, khóa học sinh cuối cùng cũng tốt nghiệp, bây giờ chỉ có một mình ông ở trong trường này.

“Những năm trước, tôi còn dọn dẹp cây cối, nhưng lâu nay không có người học, cũng không được trả công cắt dọn nên tôi không làm nữa. Sau khi hết người cách ly, trường học lại tiếp tục đóng cửa. Tôi ở đây trông coi tài sản nhưng thực ra cũng không còn gì đáng giá cả, vì đồ đạc đã chuyển về trường chính hết rồi”, ông Trinh nói.

Do không được sử dụng, bảo trì thường xuyên nên nhiều vị trí đã xuống cấp, hư hỏng

Tương tự, Trường THPT xã Đắk Wil ở xã Đắk Wil (Cư Jút) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 12 tỷ đồng đã hoàn thành, nghiệm thu và dự kiến đưa vào hoạt động. Thế nhưng cho đến nay chưa một lần được sử dụng vào việc học của học sinh THPT.

Khác với Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2, Trường THPT xã Đắk Wil ở xã Đắk Wil chỉ cách trụ sở UBND xã Đắk Wil vài trăm mét. Tuy nhiên, do không có học sinh nên đến nay trường vẫn chưa được khai thác. Một đoạn đường bê tông dài hơn 500 m được làm mới chạy qua cổng trường, với hy vọng “thu hút” học sinh nhưng cũng không có cơ hội phát huy tác dụng.

Thời điểm hiện tại, toàn bộ tòa nhà 16 phòng học và nhà hiệu bộ của Trường THPT xã Đắk Wil đã được “chuyển chủ” sang Trường mẫu giáo Đắk Wil. Một phần đất trống còn lại, dự kiến sẽ được giao cho Công an xã để xây dựng trụ sở làm việc.

Chứng kiến công trình tiền tỷ không hoạt động đúng như kỳ vọng, ông Phạm Huy Thì ở thôn Trung Tâm, nhà đối diện cổng Trường THPT xã Đắk Wil tiếc nuối: “Xã Đắk Wil có nhiều thành phần dân tộc, đời sống kinh tế khó khăn nên có ngôi trường này, bà con phấn khởi lắm. Chúng tôi lúc nào cũng mong muốn trường được hoạt động để con cháu thuận tiện đi học và tránh lãng phí tài sản Nhà nước”.

Trường THPT xã Đắk Wil gồm 2 tòa nhà chưa được sử dụng để dạy học sinh

Loay hoay “tách - nhập”

Trường THPT Phan Chu Trinh phân hiệu 2 vốn là Trường THPT Đào Duy Từ. Vào thời điểm năm 2007, chính Trường THPT Đào Duy Từ lại được tách ra từ Trường THPT Phan Chu Trinh.

Sau hơn 10 năm hoạt động, qua mỗi năm tuyển sinh, số lượng học sinh của Trường THPT Đào Duy Từ ít dần. Đến năm 2019, trường này được sáp nhập về lại trường cũ và trở thành phân hiệu 2. Toàn bộ học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên được đưa về cơ sở chính để giảng dạy.

Trong khi đó, năm 2020 UBND huyện Cư Jút từng đề xuất thành lập trường học 3 cấp trên cơ sở của Trường THPT xã Đắk Wil. Sau đó, UBND huyện Cư Jút tiếp tục đề xuất thành lập Trường THCS và THPT Cao Bá Quát.

Cả hai lần đề xuất này đều không được phê duyệt vì thời điểm đó đang thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hiện tại, Trường THPT xã Đắk Wil đang được cải tạo để phù hợp với trẻ mầm non

Ngày 22/4/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định 550/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc dự án Trường THPT xã Đắk Wil do UBND huyện Cư Jút quản lý. Đến ngày 6/5/2021, UBND tỉnh đồng ý điều chuyển tài sản của Trường THPT xã Đắk Wil về làm Trường mẫu giáo Đắk Wil.

“Theo Đề án quy hoạch mạng lưới trường và quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 120 ngày 7/10/2020 của Chính phủ thì Trường THPT Đắk Wil không được thành lập. Để tiết kiệm, tránh lãng phí tài sản công, UBND tỉnh quyết định điều chuyển toàn bộ tài sản về Trường mẫu giáo Đắk Wil quản lý, sử dụng”, Quyết định số 621 ngày 6/5/2021 của UBND tỉnh nêu rõ.

Tình trạng trường học được xây dựng khang trang, kiên cố nhưng chưa phát huy được hiệu quả đã nhận được sự quan tâm của người dân huyện Cư Jút. UBND huyện Cư Jút, Sở GD-ĐT và các cơ quan liên quan cần có những biện pháp, giải pháp cụ thể để sớm đưa công trình được hoạt động trở lại, để quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả.

>>Kỳ 2:Nơi đóng cửa, chỗ chờ hoạt động

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/giao-duc-dao-tao/noi-niem-voi-truong-hoc-bo-khong-tai-cu-jut-ky-1-truong-khong-hoat-dong-vi-thieu-hoc-sinh-92792.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/giao-duc-dao-tao/noi-niem-voi-truong-hoc-bo-khong-tai-cu-jut-ky-1-truong-khong-hoat-dong-vi-thieu-hoc-sinh-92792.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nỗi niềm với trường học bỏ không tại Cư Jút (kỳ 1): Trường không hoạt động vì thiếu… học sinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO