Nỗi niềm với trẻ suy dinh dưỡng ở Đắk Glong
Mặc dù công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em được quan tâm, nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở huyện Đắk Glong (Đắk Nông) vẫn còn cao.
Ở một số thôn, bon vùng sâu, vùng xa của huyện Đắk Glong có nhiều trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Ông Hàng Seo Hồ, Trưởng thôn 6, xã Đắk R’măng, cho biết, thôn có 1.500 khẩu, với khoảng 300 trẻ dưới 5 tuổi. Nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa chú trọng và hiểu biết về việc chăm sóc con cái, sinh con đông lại với tâm lý “trời sinh voi, trời sinh cỏ” nên nhiều cháu bị suy dinh dưỡng.
Chị Giàng Thị Say, thôn 6, xã Đắk R’măng, có 1 cháu bị suy dinh dưỡng. Chị Say cho biết, chị có 3 người con. Do kinh tế gia đình khó khăn nên sau khi sinh xong được hơn 20 ngày, chị đã địu con cùng chồng đi làm rẫy.
Hàng ngày kiếm được gì thì chị mang về cho con ăn cái đó. Kiếm được rau rừng, măng rừng hay cá suối, chị về nấu cho con ăn. Vì vậy, bé thứ 2 năm nay 3 tuổi, nhưng mới nặng hơn 8,5 kg.
Theo bác sĩ Vũ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em trên địa bàn huyện vẫn còn cao 30,9%. Trong đó, tập trung ở các xã như: Đắk R’măng 31,9%; Đắk Som 31%; Đắk Ha 30,3%.
Nguyên nhân do nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS còn hạn chế, chưa quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con. Cùng với đó, do phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số “trời sinh, trời dưỡng” hay cho ăn dặm sớm, không đúng cách dẫn đến tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi trên địa bàn huyện cao.
Để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng trên địa bàn giảm xuống còn 27%, thời gian qua, huyện Đắk Glong đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện dinh dưỡng. Cụ thể: mở các lớp thực hành hướng dẫn trình diễn bữa ăn mẫu cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi; bổ sung vitamin A cho trẻ; xây dựng cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở hầu khắp các thôn, bon.
Đặc biệt, công tác truyền thông, tư vấn giáo dục dinh dưỡng được huyện triển khai dưới nhiều hình thức phong phú: tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền qua mạng internet; truyền thông trực tiếp qua các buổi họp thôn; truyền thông nhóm tại trạm y tế các xã, các thôn, bon….
Các nội dung truyền thông chủ yếu tập trung vào dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, nuôi con bằng sữa mẹ; truyền thông phòng chống thiếu đa vi chất cho phụ nữ có thai; phụ nữ sau sinh 1 tháng…
Tham gia hoạt động bữa ăn mẫu cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi, chị Thào Thị Giàng, thôn 3, xã Đắk Som cho biết: Gia đình sẵn nguồn thức ăn như gà, trứng gà, rau, củ… nhưng lâu nay không biết chế biến nấu thế nào để có được bát cháo hay bữa cơm dinh dưỡng cho con. Nay được cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong hướng dẫn, bản thân chị đã biết được cách chế biến và mạnh dạn nấu cho các con mình ăn.
Hiện với 70% người đồng bào DTTS, đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng còn thiếu, nhiều cộng tác viên chưa thành thạo tiếng phổ thông, hoặc bất đồng về ngôn ngữ… đang là rào cản lớn giảm tỷ lệ trẻ e suy dinh dưỡng ở huyện Đắk Glong.
Vì vậy thời gian tới, để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, huyện Đắk Glong cần sự chung tay của toàn xã hội, mọi tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, huyện cần thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi hàng năm.