Đời sống

Nỗi niềm “nuôi gà chọi”

Mỹ Hằng 27/03/2023 05:00

Quản lý, chăm sóc đội ngũ vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao được ví như việc “nuôi gà chọi”, phải tốn công sức, tiền bạc mới có thể gặt hái thành công, đem về vinh quang cho tỉnh. Thế nhưng, đằng sau quá trình này cũng còn biết bao chuyện vui buồn, nỗi niềm của chính những người trong cuộc.

ADQuảng cáo

Bữa cơm "ít đạm… nhiều bạc"...

Có mặt tại phòng ăn của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đắk Nông vào chiều 15/3, phóng viên Báo Đắk Nông nhận thấy, mâm cơm dành cho các VĐV rất đơn giản, nói một cách nôm na là “ít đạm”. Mỗi bàn ăn 8 VĐV thuộc dạng “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” nhưng chỉ có 1 đĩa rau, 1 con cá diêu hồng chiên, 1 đĩa trứng kho thịt cùng với 1 tô canh. Nói là đĩa nhưng thức ăn chỉ thọt lõm ở giữa, mỗi VĐV chỉ gắp 1-2 miếng là hết.

Theo các VĐV chia sẻ, do thức ăn quá ít, ăn không đủ no, không đủ dinh dưỡng nên họ thường phải mua thêm các loại thực phẩm như mì gói, bánh mì về ăn thêm bữa khuya để “chống đói”. Bữa ăn như thế này dành chung cho tất cả VĐV các bộ môn hiện đang tập trung luyện tập ở Trung tâm và kéo dài mấy năm nay.

Thế nhưng, lâu nay, các VĐV không dám nói vì "sợ"?. Cũng có giai đoạn lùm xùm chuyện chất lượng bữa ăn và Trung tâm cũng đổi nhà bếp nhưng đâu lại vào đấy. VĐV A (xin được giấu tên) chia sẻ: “Bữa ăn kiểu này có từ lâu rồi, chúng tôi không dám phản ánh. Vì có phản ánh cũng chẳng giải quyết được gì, quanh năm suốt tháng cũng chừng đó món. Ở Trung tâm, chúng tôi chỉ ăn cho no để có sức luyện tập, chứ nói để ăn ngon thì không có”.

Tương tự, VĐV B cũng nói: “Cuối tuần nào tôi cũng tranh thủ về nhà ăn cơm với gia đình để có thêm dinh dưỡng, có sức tập luyện. Mỗi lần về nhà ăn nhiều, mẹ thấy bất ngờ hỏi, nhưng tôi không dám nói thật, sợ ba mẹ buồn lo lắng, không cho theo luyện tập nữa”.

Còn VĐV C cho biết: “Nhà tôi ở gần nên chỉ ở lại ăn bữa trưa để luyện tập, còn bữa tối về nhà ăn, nhưng nhà bếp không cho và bảo không ăn cũng phải nộp tiền ăn. Thậm chí vào ngày chủ nhật, chúng tôi không được chi tiền ăn. Vì lý do ngày đó không luyện tập nên không chi trả. Ngay cả trong thời gian tập trung tập luyện để thi đấu suốt cả tuần, cả tháng, chúng tôi cũng không được thanh toán tiền ăn vào chủ nhật”.

hinh1(1).jpg
Chất lượng bữa ăn không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe luyện tập cũng như thành tích.

Một huấn luyện viên (HLV) (xin được giấu tên) chia sẻ: "Thể thao thành tích cao có tính đặc thù, đòi hỏi mỗi VĐV phải có đủ sức khỏe để luyện tập cũng như thi đấu. Nhiều môn phải tập luyện với cường độ cao như võ thuật, đòi hỏi phải ăn nhiều, đầy đủ chất dinh dưỡng theo đúng tiêu chuẩn quy định. Thế nhưng, với thực tế thức ăn không đủ, lại không bảo đảm chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng luyện tập chứ chưa nói đến thi đấu, đạt thành tích cao. Thấy thương các em nhưng không thể đấu tranh hay làm gì được".

Về thực phẩm chức năng, theo chế độ 1 tuần mỗi VĐV được nhận 2 hộp C sủi, nhưng thực tế 2-3 tuần liên tiếp không được nhận. Mỗi khi nhận lại bắt ký tá giấy tờ rất phiền phức nên nhiều VĐV không nhận. Riêng Beroca (thuốc bổ) chỉ có tới khi nào tham gia thi đấu thì VĐV mới được nhận.

hinh2.jpg
Bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng dành cho các vận động viên thể thao thành tích cao tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đắk Nông.
ADQuảng cáo

Trang bị theo kiểu cho có

Qua tìm hiểu được biết hiện nay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đắk Nông hiện quản lý, chăm sóc, đào tạo 35 VĐV thành tích cao ở các môn võ cổ truyền, kichboxing, karate, đua thuyền và vovinam.

Hằng năm, từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đắk Nông đều được cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động luyện tập. Theo quy định, mỗi VĐV khi được triệu tập về tập luyện tại trung tâm sẽ được trang bị các dụng cụ như áo quần, găng tay, giày, ép kí. Các VĐV được trả lương tùy theo cấp bậc, hỗ trợ tiền ăn hàng tháng và các loại thực phẩm chức năng bồi bổ sức khỏe…

Thế nhưng trên thực tế, việc trang bị các thiết bị, dụng cụ phục vụ luyện tập còn rất nhiều điều đáng nói. VĐV B tiết lộ: “Gọi là trang bị, nhưng theo kiểu cho có, chứ chẳng thấm vào đâu so với thực tế tập luyện, thi đấu. Găng tay tụi em được phát toàn loại rẻ tiền, nên tập hư hết tay. Tới khi thi đấu giải mới được trang bị găng tay mới, nhưng lại là hàng tồn kho, toàn size lớn không dùng được. Tham gia các giải đấu lớn mà trang bị luyện tập như thế thì thắng được ai”.

Còn VĐV C cũng cho hay: “Thương nhất là VĐV điền kinh, thường xuyên luyện chạy bộ ngoài đường nhưng chỉ được phát giày bata loại thường nên chạy hư chân hết. Nhận về chẳng sử dụng được nên các VĐV có lương phải nhờ HLV mua loại tốt để luyện tập. Chúng tôi cũng biết theo đuổi nghiệp thể thao thì có sướng, có khổ nhưng nếu cứ như thế này sẽ dần bị lụi tàn, chứ đừng nói đến chuyện thành tích”...

VĐV A chia sẻ: “Tôi vào Trung tâm được mấy năm, lương được 3,2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn hàng tháng theo quy định. Nhưng tháng 12/2022, thay vì nhận lương 3,2 triệu đồng thì chúng tôi chỉ được nhận 527.000 đồng/VĐV. Một số VĐV đang luyện tập tại Trung tâm nhưng không tham gia Đại hội TDTT toàn quốc thì không nhận được tiền lương, nhưng vẫn phải ký trong bảng nhận lương là 3,2 triệu đồng. Khi hỏi nguyên nhân tại sao thì chúng tôi nhận câu trả lời là “chia sẻ tiền lương cho các anh chị tham gia thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc đạt huy chương”. Trong thực tế, các anh chị tham gia thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc cũng chỉ nhận được 527.000 đồng”.

dsc09319(1).jpg
Thức ăn không đủ, lại không bảo đảm chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng luyện tập cũng như thành tích.

Nói rồi nhưng… vẫn phải nói

Để phát huy được thế mạnh các môn thể thao thành tích cao, những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã có một số chính sách quan tâm, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ luyện tập cũng như quy định mức chi dinh dưỡng, chế độ đãi ngộ dành cho các vận động viên.

Điển hình, năm 2019, Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Đắk Nông, khóa III đã thông qua Nghị quyết 28 về Quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, mức chi đội tuyển tỉnh 200.000 đồng/người/ngày; đội tuyển trẻ tỉnh 160.000 đồng/người/ngày; đội tuyển năng khiếu các cấp 120.000 đồng/người/ngày; đội tuyển cấp huyện 120.000 đồng/người/ngày. Đặc biệt, trong thời gian tập trung luyện tập thì mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với VĐV, HLV: đội tuyển tỉnh 260.000 đồng/người/ngày; đội tuyển trẻ tỉnh 200.000 đồng/người/ngày; đội tuyển năng khiếu các cấp 200.000 đồng/người/ngày; đội tuyển cấp huyện 170.000 đồng/người/ngày.

Năm 2019, Báo Đắk Nông đã từng có bài viết “Bức xúc chế độ dinh dưỡng, đãi ngộ VĐV thành tích cao” phản ánh thực trạng này nhưng xem ra vấn đề chế độ dinh dưỡng, đãi ngộ dành cho VĐV thể thao thành tích cao chưa được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Đắk Nông khắc phục. Dẫu là “chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” nhưng vẫn phải nói vì cũng do bức xúc chuyện “cơm áo gạo tiền”, nên thời gian qua một số VĐV, HLV không chịu được áp lực đã “dứt áo” rời khỏi Trung tâm và tìm lối đi riêng cho mình. Điều đáng nói, khi chúng tôi tiếp xúc, tìm hiểu để phản ánh, các VĐV đều có tâm lý “sợ” không dám phản ánh.

ADQuảng cáo
(2) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm “nuôi gà chọi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO