Đời sống

Nỗi niềm người trồng sầu riêng ở Đắk Nông

Mỹ Hằng 25/07/2023 06:41

Sầu riêng đang vào mùa, giá cao nên tình trạng ăn trộm, "bảo kê", "cò" sầu riêng diễn ra, gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà vườn.

Nạn "sầu tặc"

Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song) trồng 20 cây sầu riêng chuẩn bị cho thu hoạch. Tuy nhiên, mới đây khi vào vườn thăm thì toàn bộ 20 cây sầu riêng đã bị cắt trộm gần hết, chỉ còn lại vài quả non nhỏ lủng lẳng trên cây. Bao nhiêu dự tính cắt bán và chi phí đều tan theo mây khói.
Chị Oanh buồn bã nói: "Mấy năm trước cũng bị cắt trộm nhưng không nhiều như năm nay. Bao nhiêu chi phí chăm sóc đều mất hết. Xót của lắm...".

hinh1-1-(1).jpg
Các thương lái thu mua sầu riêng tại các vườn phải chung chi cho "bảo kê".

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) có vườn sầu riêng 2 ha, chủ yếu là sầu riêng Thái và Ri6, ước lượng hơn 30 tấn quả. Còn 2 tuần nữa chính thức thu hoạch, nhưng mới đây, một số đối tượng xấu lẻn vào vườn hái quả, gây thiệt hại cho gia đình hàng chục triệu đồng.

Chị Mỹ cho biết: “Do rẫy ở xa cách nhà nên không thể trực tiếp ở đó 24/24h được. Giá sầu riêng hiện tại mua xô tại vườn đã 70.000 đồng/kg nên chỉ cần vài giờ đồng hồ không có người là “sầu tặc” có thể cắt trộm vài chục quả rồi. Sầu riêng vào vụ là cứ lo nơm nớp mất trộm”.

Không chỉ lo sợ “sầu tặc”, các khu vực vườn rẫy có sầu riêng còn xuất hiện tình trạng “bảo kê”. Theo đó, các thương lái muốn vào khu vực có sầu riêng để thu mua thì phải chung chi cho các đối tượng này.

Các đối tượng thường tập trung thành 1- 2 nhóm người (khoảng 4-5 người), chốt chặn các cửa ngõ ra vào thôn, buôn, bon, bản - nơi có các vườn sầu riêng lớn và chốt chặn như “kiểm dịch”. Khi thấy thương lái vào thu mua, hái sầu riêng thì chặn đường “xin đểu” rồi mới cho các thương lái ra, vào mua bán.

"Cò" sầu riêng

Bên cạnh "sầu tặc", "bảo kê", thì "cò" sầu riêng cũng diễn ra rất sôi động. Cứ một kg sầu riêng “cò” sẽ được chi trả 1.000 đồng. Sản lượng sầu riêng càng nhiều thì cò sẽ được chia tiền hoa hồng càng nhiều, có vườn lên đến hàng trăm tấn.

dsc03566.jpg
Thị trường thu mua sầu riêng rất sôi động.

Vì dễ kiếm tiền nên sau khi thị trường bất động sản đứng im, nhiều “cò đất” chuyển sang “cò" sầu riêng. “Cò" sầu riêng theo kiểu “lướt ván”.

Sau khi xem vườn và chụp hình, quay phim các kiểu, các “cò" tung lên mạng xã hội rao bán, thậm chí đẩy giá cao ngất ngưởng so với giá chủ vườn đưa ra. Các thương lái chốt giá không được nên một số vườn sầu riêng bị “mắc cạn” bán không được rụng đầy gốc. Chủ vườn phải mang bán ở các điểm bán nhỏ, lẻ với giá thành thấp.

Việc “cò" sầu riêng tung hoành đẩy giá quá cao đã gây thiệt hại kinh tế lớn cho người bán lẫn người mua nhưng người chịu thiệt hại lớn nhất vẫn là nông dân. Bởi khi không bán được, cây sầu riêng sẽ bị suy vì phải neo trái, ảnh hưởng đến sản lượng của mùa vụ năm sau.

Tôi kinh doanh sầu riêng hơn 5 năm nay, mỗi khi vào vụ sẽ cho người đi chốt mua ở các nhà vườn từ các tỉnh miền Tây đến các tỉnh Tây Nguyên. Quá trình giao dịch, tôi chứng kiến nhiều tình trạng "bảo kê", "cò" sầu riêng diễn ra nhộn nhịp, nhưng chấp nhận nhập hàng cho êm chuyện để còn thu mua cho đủ công”

Chị N.T.M.H chủ vựa sầu ở TP. Gia Nghĩa

Còn chị N.T.T.H cũng cho hay: “Nơi nào có cây sầu riêng là nơi đó có “bảo kê". Muốn ra vào mua bán, hái sầu riêng phải chung chi, tình trạng này kéo dài lâu lắm rồi. Trong đó, tình trạng “cò" sầu riêng cứ đẩy thổi giá lên cao để ăn lời, nhưng thị trường giá cả biến động thất thường không biết đâu mà lần. Cuối cùng thiệt hại chính vẫn là người nông dân”.

Tìm cách bảo vệ sầu riêng

Để phòng, chống “sầu tặc”, nhiều gia đình đã chủ động bảo vệ vườn rẫy của mình.

Ông Diệp Vỹ Minh, thôn 8 xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) trồng 3 ha sầu riêng đang vào vụ thu hoạch, ước tính 65 tấn gồm cả sầu riêng Thái và Ri6. Để bảo đảm an toàn tránh thiệt hại do ăn trộm, ông Minh thuê người ăn ở lại tại vườn canh gác vườn sầu riêng 24/24h.

Sầu riêng là loại trái cây có giá trị kinh tế cao, chỉ cần dạo một vài vòng hái trộm là có trong tay hàng triệu đồng. Nên cứ vào vụ thu hoạch, gia đình tôi lại thuê người bảo vệ, thậm chí liên kết với các nhà rẫy xung quanh để hợp sức bảo vệ”

Ông Diệp Vỹ Minh, thôn 8 xã Đắk Ru (Đắk R'lấp)

Ông Minh chia sẻ: “Sầu riêng là loại trái cây có giá trị kinh tế cao, chỉ cần dạo một vài vòng hái trộm là có trong tay hàng triệu đồng. Nên cứ vào vụ thu hoạch, gia đình tôi lại thuê người bảo vệ, thậm chí liên kết với các nhà rẫy xung quanh để hợp sức bảo vệ”.

Còn gia đình ông Phạm Quốc Doanh, bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) những ngày này tăng cường bảo vệ vườn sầu của gia đình. Theo ông Doanh, cứ chuẩn bị thu hoạch sầu riêng là tình trạng mất trộm diễn ra. Để bảo vệ sầu riêng, gia đình đã đầu tư thêm hệ thống đèn điện, camera giám sát, phát hiện người lạ mặt vào rẫy.

Xã Quảng Tín (Đắk R'lấp), là một trong những vùng thu hoạch sầu riêng sớm của tỉnh Đắk Nông. Để bảo đảm an ninh trật tự, tài sản của người dân và thương lái, xã đã chỉ đạo lực lượng công an, dân quân tự vệ tăng cường tuần tra bảo vệ các khu vực sản xuất của người dân. Địa phương cũng thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của người dân liên quan đến nạn trộm cắp, "bảo kê", "cò" đầu cơ, ép giá sầu riêng

Ông Hoàng Đại Sửu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Tín (Đắk R'lấp)

Việc “sầu tặc” hoành hành đã gây thiệt hại về kinh tế lớn cho các nhà vườn. Khi cắt trộm vì lí do sợ chủ bắt gặp nên "sầu tặc" sẽ cắt tất cả quả to, không phân biệt già hay non. Nếu thương lái không biết, mua phải hàng trộm cắp, không đúng chất lượng để đóng hàng xuất sang thị trường chính ngạch Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của sầu riêng Việt Nam. Đối với các thương lái bán hàng bóc múi thì chất lượng các quả cắt non sẽ giảm và không đủ tiêu chuẩn về độ ngon, béo của sầu riêng.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Nỗi niềm người trồng sầu riêng ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO