Nỗi niềm người giữ rừng ở Quảng Trực

Lê Phước| 18/10/2022 08:22

Ít tháng nay, tại tiểu khu 1522, thuộc địa bàn xã Quảng Trực (Tuy Đức) liên tiếp xảy ra những vụ tranh chấp đất rừng. Tình hình phức tạp hơn khi những đối tượng lấn chiếm đất rừng tập trung lại thành nhóm, sẵn sàng tấn công lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.

ADQuảng cáo

Vào năm 2008, Công ty TNHH Hoàng Ba được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 1.045 ha đất (trong đó có hơn 980 ha rừng) tại tiểu khu 1522 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Sau hơn 10 năm, Công ty đã để người dân chặt phá, lấn chiếm 570 ha rừng.

Năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi dự án này và bàn giao về cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý. Trong số 1.045 ha của dự án, có hơn 760 ha đất không có rừng.

Theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp  Nam Tây Nguyên, sau khi nhận bàn giao, đơn vị tiến hành kiểm kê hiện trạng, xây dựng phương án trồng rừng năm 2022. Bắt đầu từ đây, những hộ dân đang lấn chiếm đất bắt đầu phản ứng, xảy ra xung đột với lực lượng bảo vệ rừng.

Những vạt rừng tại tiểu khu 1522 đang tiếp tục bị đốt phá để lấn, chiếm đất

Nhiều tháng qua, giữa lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Công ty và nhóm đối tượng trên đã xảy nhiều vụ xô xát. Đỉnh điểm là trong tháng 8/2022, một cán bộ quản lý, bảo vệ rừng của Công ty bị chém vào tay khi đang làm nhiệm vụ. Tổ bảo vệ rừng phải dùng súng bắn chỉ thiên để rút lui.

Sau đó, vụ việc được Công ty báo cáo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, không hiểu sao sau đó cơ quan chức năng lại xử phạt hành chính cả đối tượng phá rừng lẫn nhân viên của Công ty.

Theo một nhân viên của Công ty, cách xử lý này không chỉ thiếu công bằng mà còn tạo cớ cho các đối tượng phá rừng trở nên manh động, liều lĩnh, xem thường lực lượng bảo vệ rừng.

“Chúng tôi bảo vệ rừng là thi hành công vụ, bị các đối tượng tấn công gây thương tích. Vậy mà cơ quan chức năng lại xử phạt cả 2 bên vì hành vi gây rối trật tự công cộng là không thuyết phục”, một nhân viên bảo vệ rừng cho hay.

ADQuảng cáo

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, việc lấn chiếm đất rừng, chống đối người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản tại tiểu khu 1522 là có tổ chức.

Nhiều khu đất rừng tại tiểu khu 1522 đã bị người dân lấn chiếm, canh tác nhiều năm nay

Trong nhiều ngày, Công ty phát hiện hàng chục đối tượng phát dọn, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu này. Các đối tượng này manh động và có người tổ chức, cầm đầu.

Vào thời điểm Công ty triển khai trồng rừng theo kế hoạch năm 2022 của UBND tỉnh, các đối tượng này ngang nhiên đứng ra tranh chấp, giành giật. Hàng trăm cây rừng vừa trồng xuống đã bị các đối tượng này chặt phá, nhổ bỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết, tình trạng lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 1522 là rất phức tạp.

Qua rà soát hiện trạng, đơn vị đã xác định có khoảng 100 hộ dân đang lấn chiếm khoảng 400 ha đất rừng. Chủ rừng đang vận động người dân thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp để tăng thu nhập, nâng cao độ che phủ rừng.

Còn đối với các diện tích đất rừng mới bị lấn chiếm hoặc đang xảy ra tranh chấp, Công ty đã đề nghị công an và ngành chức năng vào cuộc xử lý nghiêm. Công ty luôn sẵn sàng cung cấp báo cáo, hình ảnh, video… về các đợt tranh chấp, về sự manh động, hung hãn của các đối tượng để các cơ quan chức năng có cơ sở xử lý.

Xung đột tại tiểu khu 1522 đang gây nguy hiểm cho lực lượng bảo vệ rừng của chúng tôi và tiềm ẩn hệ lụy về an ninh, trật tự tại xã biên giới Quảng Trực. Chúng tôi rất mong lực lượng chức năng vào cuộc, xử lý đến kết quả cuối cùng các vụ việc tại “điểm nóng” này, ông Bình cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm người giữ rừng ở Quảng Trực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO