Nỗi lo thuốc lá điện tử vào trường học
Hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên, học sinh đang tăng nhanh một cách đáng báo động. Vì vậy, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử trong cộng đồng, nhất là trong trường học cần được tăng cường hơn nữa.
Hồi chuông cảnh báo
Có mặt tại một quán cà phê ở TP. Gia Nghĩa, chúng tôi thật sự bất ngờ khi thấy một nhóm bạn nam, mặc đồng phục học sinh đang chuyền tay nhau điếu thuốc lá điện tử và sau mỗi lần rít lại phả ra luồng khói đậm đặc bay khắp quán, khiến nhiều người có mặt rất khó chịu. Thế nhưng, nhóm bạn trẻ lại tỏ ra thích thú, "ta đây" biết sử dụng hàng “độc, lạ”. Một bạn sau khi rít hơi thuốc xong thì sặc sụa nói: “Hút thuốc này có lẽ “phê” hơn nhưng khói dữ quá, không chịu nổi”.
Lân la tìm hiểu, chúng tôi được biết các bạn trẻ là học sinh vừa mới dự tổng kết năm học 2022-2023 xong thì tụ tập ở quán, để chia tay về nhà nghỉ hè với gia đình. Qua câu chuyện của nhóm học sinh cho thấy thực tế dù nhà trường nghiêm cấm không hút trong trường nhưng việc hút thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử được nhiều học sinh lén lút sử dụng tại nơi vắng người hoặc tụ tập tại quán xá.
Điều nguy hại hơn, đối tượng hút thuốc lá điện tử không chỉ học sinh THPT, THCS mà còn len lỏi vào học sinh tiểu học. Mới đây, một trường tiểu học trên địa bàn TP. Gia Nghĩa đã phát hiện 2 học sinh mang thuốc lá điện tử đến trường. Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay theo các giáo viên, việc kiểm soát, ngăn chặn đang gặp khó khăn, trong khi thuốc lá điện tử được bày bán tràn lan.
Theo các giáo viên, nhìn bên ngoài, rất khó nhận biết cây thuốc lá điện tử (bút vape) khi chúng được thiết kế giống như một hộp kem, một cây bút hoặc ổ đĩa, hình thỏi son… Hình dạng bên ngoài rất khó nhận biết, nên học sinh dễ dàng mang vào lớp. Giáo viên chỉ phát hiện khi học sinh có biểu hiện bất thường về sức khỏe hoặc bị học sinh khác phản án.
Theo thống kê tại Việt Nam tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng nhanh một cách đáng báo động, dưới nhiều hình thức chiêu trò dụ dỗ tinh vi, đặc biệt đã ghi nhận thuốc lá điện tử bị lợi dụng để pha trộn ma túy và các chất gây nghiện khác. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh (có cả nữ sinh) với tỉ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Do đó, việc sử dụng thuốc lá điện tử gây nghiện nhanh chóng cho người sử dụng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Hút thuốc lá gây các bệnh cấp tính và mạn tính như bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc, động kinh, các bệnh về răng miệng và ung thư. Ngoài ra, khi tiếp xúc thụ động với nicotine trong các sản phẩm này cũng gây tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai, ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.
Cùng vào cuộc
Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Theo Bộ Y tế, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, với sự xuất hiện của các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa…Vì vậy, Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2023 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”. Mới đây, Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh Đắk Nông) đã có Công văn số 960 về việc tăng cường phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử trong trường học”.
Trong đó, Sở GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các trường học tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá thế hệ mới trong học sinh. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh.
Các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục và tại các quán, quầy tạp hóa, căng tin trong và ngoài cổng trường.
Hưởng ứng tinh thần trên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Nông cũng có Công văn 293 đề nghị các cơ sở Đoàn, Đội trong toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử trong trường học. Tổ chức Đoàn, Đội các trường học triển khai xây dựng mô hình: “Trường học không khói thuốc lá, thuốc lá điện tử”, “Thanh niên nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử”, “Liên đội nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử”…
Cùng với tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt, các cơ sở Đoàn, Đội đăng tải các nội dung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử bằng băng rôn, panô, áp phích và trên tất cả các trang mạng xã hội của mình.
Chị H’Hồng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Với trách nhiệm của mình, các tổ chức Đoàn, Đội cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh. Đoàn viên, thanh niên, cán bộ phụ trách thiếu nhi không những nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng mà còn phải có trách nhiệm phòng ngừa, ngăn chặn thuốc lá điện tử đối với thế hệ trẻ trong và ngoài nhà trường”.