Nỗi lo bạo lực gia đình

Mỹ Hằng| 08/07/2021 08:22

Bạo lực gia đình từ lâu là một trong những vấn nạn của xã hội, không chỉ gây tổn thương về sức khỏe, tinh thần mà còn khiến không ít gia đình tan vỡ, đẩy những đứa trẻ vào cảnh ly tán...

ADQuảng cáo

Tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình

Muôn kiểu bạo lực

Dù đã có với nhau 2 mặt con nhưng gia đình chị D.T.X và anh N.V.L ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) luôn sống trong chuỗi ngày cãi vã, bạo hành. Hai vợ chồng cưới nhau khi vừa tròn 18 tuổi và đến nay cũng ngót gần 10 năm. Tưởng chừng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ toàn màu hồng, ai ngờ sau đó anh L ngày càng lộ rõ bản chất, lười biếng và vũ phu.

Hễ không vừa ý chuyện gì hoặc gia đình thiếu tiền là anh L lại quay sang đánh chửi vợ. Nhiều lúc nửa đêm khi các con ngủ, anh L cũng đánh đập vợ mình, mặc cho vợ, con thơ gào khóc. Trên thân thể của chị X toàn những dấu vết chằng chịt do anh chồng để lại.

Bức quá chịu không nổi, chị X phải dọn đi thuê trọ ngoài để ở. Được vài ngày, anh L lại đến xin lỗi và hứa lần sau sẽ không đánh vợ nữa nhưng rốt cuộc vẫn chứng nào tật nấy. Chị X dứt khoát muốn ly hôn nhưng anh L dọa là sẽ giành con, không cho chị nuôi. Thương con, chị X đành nín nhịn và thầm cầu mong một ngày nào đó chồng mình thay đổi tâm tính.

Gia đình chị N.N.T và anh N.T.K ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cũng lục đục từ nhiều năm liền. Nguyên nhân cũng chỉ từ rượu mà ra, anh K vốn nghiện rượu và oái ăm thay mỗi khi rượu vào thì anh K lại “đòi hỏi” vợ một cách thô bạo. Mỗi khi thấy chồng mình có mùi rượu là chị T lại đi trốn, ngặt nỗi trốn góc nào anh K cũng lùng sục tìm ra cho bằng được.

Nếu chị T không thỏa mãn và chống cự, anh chồng liền đánh chẳng nương tay. Hai đứa con thấy mẹ bị bố đánh cũng chỉ biết khóc, vào can thì cũng bị anh K đánh chẳng tha… Sau khi tỉnh rượu, anh K lại vui vẻ nói chuyện với vợ con mình như không hề có chuyện gì xảy ra.

Những con số biết nói

Theo thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện hơn 1.830 vụ bạo lực gia đình, nạn nhân của các vụ bạo lực chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Hình thức bạo lực gia đình gồm bạo lực tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế…

ADQuảng cáo

Trong đó, bạo lực người già: 79 vụ; bạo lực trẻ em: 134 vụ; phụ nữ bị bạo lực: 1.524 vụ và nam giới bị bạo lực: 99 vụ. Hành vi bạo lực gia đình gồm: bạo lực thân thể có 956 vụ; bạo lực tinh thần 665 vụ; bạo lực kinh tế 1.231 vụ và bạo lực tình dục là 86 vụ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, nhất là do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, con cái vi phạm pháp luật... Bởi vì, điều dễ thấy nhất là tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn nặng tư tưởng “việc nhà đóng cửa bảo nhau” nên cam chịu, không tố cáo hành vi, làm cho bạo lực gia đình gia tăng và diễn biến phức tạp.

Phụ nữ và trẻ em là hai đối tượng bị tổn thương và bạo hành nhiều nhất trong các gia đình

Tuyên truyền để nâng cao nhận thức

Những năm qua, việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai với nhiều giải pháp.

Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 274 mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 175 địa chỉ tin cậy; 786 tổ hòa giải ở cơ sở hỗ trợ nạn nhân khi bị bạo lực gia đình. Các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của từng thành viên trong gia đình, kịp thời hòa giải các vụ bạo lực gia đình...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới tiếp tục đạt được hiệu quả cao hơn nữa, rất cần sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương.
Cơ quan chức năng cần rà soát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để có những hình thức xử phạt hợp lý. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình cần sâu rộng, thiết thực để cộng đồng hiểu rằng bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật chứ không còn là vấn đề của riêng mỗi gia đình.

Ngoài ra, các ngành, các cấp cần kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình để tạo sự lan tỏa trong xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo bạo lực gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO