Lễ hội Tâm N’Găp Bon một trong những nghi lễ tiêu biểu với ý nghĩa gắn kết, sum họp cộng đồng được đồng bào M’nông tổ chức vào mùa Xuân khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đầy trong kho, bắp kín trong bồ. Lúc này, nhiều bon làng M’nông lại quy tụ để tổ chức lễ hội Sum họp cộng đồng nhằm cầu mong các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no, con cháu khỏe mạnh hạnh phúc, cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trước lễ hội khoảng 2 tháng, già làng của các bon sẽ họp lại, thống nhất địa điểm, quy mô tổ chức lễ. Đến dự lễ, mỗi bon làng đều mang theo các sản vật tự chăn nuôi, sản xuất làm ra như: Trâu, dê, lợn, gà, lúa gạo, rượu cần… và bon chủ nhà cũng phải chuẩn bị tương tự như vậy đểđãi khách. Trước ngày lễ một tuần, một cây nêu lớn sẽ được dựng lên, để thông tin và mời gọi các thần linh biết mà về dự lễ với bon làng. Phần ngọn trên cây nêu được trang trí nhiều hoa văn, hình chim, nai kết bằng tre nứa, được tô vẽ khéo léo, tinh xảo. Thân cây nêu trang trí hoa văn với màu chủ đạo là đen, đỏ và trắng. Ở giữa thân cây nêu là một mâm tre hình vuông bày biện các lễ vật cúng thần như thịt, cơm, bầu rượu cần.
Bên cạnh cây nêu lớn còn dựng một cây nêu thấp hơn bằng cây gòn gai, đầu cây được gọt thành hình mỏ con chim đại bàng với ý nghĩa thông tin cho tổ tiên biết để về dự lễ. Ngay trước hai cây nêu là một hàng rào nhỏ tượng trưng cho ranh giới giữa con người trần tục và thần linh. Quanh hai cây nêu dựng thêm hai nhà dài bằng tre lợp lá, là nơi để mọi người giao lưu, nghỉ ngơi khi đã chu đáo và thành kính chuẩn bị xong mọi thứ.
Mở đầu lễ, các giàn chiêng thi nhau tấu lên những bài chiêng chào đón khách, nam thanh nữ tú nắm tay nhau ca hát, nhảy múa vòng tròn quanh cây nêu. Đây cũng là lúc già làng tiến hành nghi thức cúng tế thần linh chứng giám, giúp cho bon làng làm ăn phát đạt, dân làng gắn bó. Sau khi làm lễ tế thần, thịt trâu, gà, dê… được chế biến tại chỗ để mời khách, một phần được chia ra cho mọi người trong bon mang về để người không đi dự cũng có phần. Cứ thế mọi người vừa thưởng thức món ăn, rượu cần, vừa giao lưu sinh hoạt, hát dân ca, dân vũ, hát đối đáp, các nghệ nhân hát kể Ot’rông (dân ca truyền thống của người M’nông) quanh đống lửa bập bùng kéo dài mãi tận đêm khuya.
Ngày hôm sau, mọi người tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian như bắn nỏ, nhảy bảo bố, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co... tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo người dân đến xem. Đây là dịp để các dân tộc trong tỉnh trao đổi, học tập lẫn nhau về cách bảo tồn các môn thể thao dân tộc.