Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật quy định áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù và cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với Việt Nam. Người đang chấp hành án phạt tù là đối tượng đặc thù của dự án Luật, phân biệt với đối tượng áp dụng của dự án Luật Dẫn độ.
Về nguyên tắc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Điều 4 dự thảo Luật quy định các nguyên tắc: Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thì hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Các nguyên tắc này phù hợp với các nguyên tắc trong hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự quy định tại Điều 492 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021).
![]() |
Đại diện Bộ công an Việt Nam tiến hành bàn giao phạm nhân Nikolaenko Galina (nữ - áo đen/trắng) cho Cơ quan Thi hành án hình sự Liên bang Nga vào ngày 27/02/2025. |
Ngoài ra, về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Điều 5 dự thảo Luật quy định điều kiện và cơ quan chủ trì xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (Bộ Công an). Đây là điểm mới so với quy định của Luật TTTP, khắc phục bất cập của quy định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong Luật TTTP.
Bên cạnh đó, về Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Điều 6 dự thảo Luật quy định Bộ Công an là Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù có trách nhiệm lập, gửi, tiếp nhận yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án. Quy định này phù hợp với quy định của các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam đã ký kết và tương thích với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Công an nhân dân năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2023). Đây là quy định mới so với quy định của Luật TTTP.
Về thời điểm người đang chấp hành án phạt tù có quyền rút đơn xin chuyển giao, Điều 7 dự thảo Luật quy định người đang chấp hành án phạt tù chỉ có quyền rút lại đơn xin chuyển giao trước khi quyết định thi hành quyết định tiếp nhận hoặc quyết định thi hành quyết định chuyển giao có hiệu lực. Đây là quy định mới so với quy định của Luật TTTP, quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc người đang chấp hành án phạt tù tùy tiện rút đơn xin chuyển giao gây lãng phí thời gian, công sức và kinh phí cho cả Việt Nam và nước ngoài...