Nhiều đứa trẻ đã va phải "cái chết trắng". |
Yura chết trong vòng tay tôi
Khi bà Svetlana Nikolaevna 71 tuổi, con trai Yura của bà chết ở tuổi 41. Chuyện đó đã xảy ra cách đây khoảng 3 năm. Quãng thời gian dài đằng đẵng 20 năm bà đồng hành, thuyết phục con mình cai nghiện thật sự là những tháng ngày ám ảnh.
Yura không chết vì dùng thuốc quá liều. Yura chết vì cơ thể kiệt sức khiến anh không thể thở và cử động. “Hai ngày cuối đời, Yura chỉ còn là cái xác sống”, bà Svetlana nhớ lại.
“Mẹ ơi, con ngạt thở, mẹ gọi cấp cứu đi”, Yura kêu lên. Y tá đến, an ủi bà: “Chị chuẩn bị đi, con chị sắp chết”. Vài phút sau Yura mất. Bác sĩ bảo rằng trong người Yura dường như không còn giọt máu.
“Tôi có cảm thấy tốt hơn khi Yura mất không ư? Không hề”, bà Svetlana chỉ vào bức ảnh của con trai trên bàn. Mỗi ngày, bà nói chuyện với con, bất kể là chuyện gì. Con bà trông thật đẹp trong bộ quân phục. Yura từng tham gia lễ duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ năm 1999. Những điều đó vẫn còn nguyên trong ký ức người mẹ.
Yura từng tham gia cuộc chiến ở Chechnya. Yura sử dụng ma túy trước khi nhập ngũ, song được mẹ thuyết phục đi cai nghiện, rồi sau đó ra trận. Khi Svetlana đến thăm con trong quân đội, bà thấy những chàng trai 18 tuổi mất tay, mất chân. Yura may mắn trở về lành lặn từ “máy xay thịt” ở Chechnya. Nhưng về nhà, anh tái nghiện.
Nhiều đứa trẻ đã va phải "cái chết trắng". |
Từ đầu, “bạn bè” cho Yura một liều miễn phí, rồi sau đó là những chuỗi ngày nợ nần thê thảm. Bọn chúng tìm đến đòi nợ, đánh đập Yura. Yura bắt đầu nói dối và xin tiền mẹ.
Khi biết sự thật, bà Svetlana ngừng cấp tiền cho Yura. Con bà đi vay mượn. Người mẹ chạy quanh tất cả các tổ chức tài chính trong thị trấn nhỏ, khóc lóc, yêu cầu họ không cho con bà vay tiền. Nhưng người ta không nghe.
Khi con bà dính đến ma túy, bà Svetlana phải đi vay, rồi dùng toàn bộ tiền lương để trả. Rồi bà lại vay, cứ thế vòng luẩn quẩn không dừng lại.
Một lần, Yura sốc thuốc và chắc đã chết nếu người hàng xóm không gọi xe cấp cứu kịp thời. Bà Svetlana xấu hổ không ngẩng đầu lên nổi.
Suốt 20 năm, bà Svetlana chỉ biết viết nhật ký. Bà không có ai để tâm sự, không có ai để chia sẻ và khóc cùng. Bà một mình trong từng đó thời gian.
Chồng bà không ủng hộ bà, khi thấy cái cách mà Yura lấy đi từ bà cả tiền bạc và sức lực. Là một người được kính trọng trong thị trấn, ông không thể chấp nhận sự thật rằng mình có một đứa con trai như thế.
Làm việc trong ngành giáo dục, bà Svetlana xấu hổ khi nhìn mọi người. “Chia sẻ nỗi đau này với ai đây? Chẳng ai cả”. Bà không có ai để tựa vào và khóc, kể cả người con gái lớn. Bà nhờ tới bệnh viện, trung tâm tâm thần để giúp con trai.
Yura thường viết thư cho mẹ, vì không thể nhìn vào mắt bà. Trong những bức thư, Yura cam đoan không muốn sống như thế nữa, rằng anh ấy sẽ cai nghiện. Bà thật sự muốn tin. Bà cũng tìm cho con trai công việc mới. Nhưng con bà mau chóng mất hứng. Và mọi thứ lại như cũ.
Yura có một con trai là Serezha. Serezha ở với ông bà, vì không thể ở với người bố nghiện ngập, còn mẹ của Serezha cũng không đáng tin vì chứng nghiện rượu. Một lần, bà Svetlana nhìn thấy Serezha nằm cạnh những con mèo ở cửa, không ai cần cậu bé. Bà đã đưa Serezha đi.
Ông bà dành 11 năm cho Serezha, và rồi nhận ra rằng họ không thể “đối phó” được người cháu của mình. Serezha trở nên lì lợm, học hành sa sút. Họ cố gần gũi, nhưng không kết nối được với người cháu.
Chồng bà Svetlana đã phải chịu đựng rất nhiều. Ông tàn tật và như “chết đi một cách lặng lẽ”. Hành vi của Serezha cũng khiến ông vô cùng đau đớn.
Serezha về với mẹ, nhưng gia đình biết việc đó không dẫn đến điều gì tốt đẹp. Họ quyết định gửi Serezha vào một trường nội trú. Yura yêu Serezha rất nhiều. Khi đến thăm, người bố luôn mua cái gì đó cho con trai. Dù người con luôn hướng về cha mình, nhưng ngay cả điều đó cũng không giúp được gì cho Yura trên con đường cai nghiện.
Bà Svetlana xấu hổ không biết chia sẻ nỗi đau của mình với ai. |
Bà Svetlana hối tiếc về mọi thứ. Yura đã ra đi. Còn bà Svetlana đã quen với việc cúi đầu đi dạo quanh thị trấn. Từng đó thời gian dường như bà không sống, tất cả chỉ là chịu đựng.
“Điều gì an ủi tôi ư? Đó là những lần mẹ con tâm sự khi Yura tỉnh táo. Yura tốt bụng, nhưng thật yếu đuối”, bà Svetlana thở dài.
Egor ngồi tù
Nhận cuộc gọi từ bạn, bà Elena hấp tấp chạy đến. Cảnh sát đang viết gì đó. Egor, con trai 17 tuổi của bà bị còng tay. Lòng bà Elena tan nát. Những điều đang diễn ra như chỉ có trong phim. Con trai bà bị tình nghi bán ma túy.
Cảnh sát đưa con bà về đồn. Bà cũng đến đó vì con bà chưa đến tuổi trưởng thành.
Ba giờ sau, bà Elena về nhà, run sợ vì cảnh sát đến khám xét. Ngôi nhà bị đảo lộn. Họ lục tung phòng Egor. Điều khó tin xảy ra ngay trước mắt bà. Họ tìm thấy một số loại cỏ. Bà Elena hiểu đó là ma túy. Ngăn kéo cũng có một số thiết bị để hút, tất cả tỏa ra mùi ghê rợn. Những người hàng xóm chứng kiến và nhìn bà một cách cảm thông. Bà xấu hổ tột độ.
Bà thấy mình là một người mẹ tồi. Bà đã ly hôn người chồng thường xuyên đánh đập mình. Bà bắt đầu hoài nghi về quyết định đó, như đã tước đi người bố của đứa bé.
Bạn thân đến, nắm lấy tay bà. “Elena, thở đi”, người bạn nhìn vào mắt bà và lặp đi lặp lại.
Các cuộc thẩm vấn bắt đầu. Mọi người hỏi bà về những điều bất thường trước đó về con bà. Bà thừa nhận có. Bà ngạc nhiên rằng tại sao Egor có thể ngủ đến 5 giờ chiều. Ngủ như kiểu không cần thở. Bà đã sợ hãi và đánh thức con trai.
"Có phải con hút thứ gì đó không?", cậu bảo không.
"Con có cần đến bác sĩ không?", cậu bảo không.
Egor tỏ ra lo lắng, thất hứa, học hành sa sút.
"Tôi có thể làm gì lúc đó?", bà Elena hỏi: "Thuyết phục, kêu gọi, hay nài nỉ?Đưa con đến chuyên gia?". Có lúc cậu con trai hét lên: "Mẹ muốn xúc phạm con, làm nhục con à?Được thôi, con sẽ đi xét nghiệm xem có chất gì trong máu không".
Đứa con trai 17 tuổi của bà Egor trở nên gầy gò, ốm yếu sau khi vướng vào ma túy. |
Bà chọn cách tin tưởng con mình. Bà cũng nhận ra Egor gầy đi nhiều. Đứa con trai 17 tuổi với cơ bắp cuồn cuộn đột nhiên trở nên gầy gò, ốm yếu.
Bà xin Egor làm ơn đi khám. Nhưng cậu con trai một mực bảo không. Và sau đó anh ta biến mất khỏi nhà trong 2 ngày.
Trở về, Egor giải thích rằng nó đi làm. Cậu con trai bảo rằng nó bán vé ở các khu vui chơi trẻ em. Egor tiếp tục vắng nhà vài lần nữa. Nó thật sự kiếm được tiền, nhưng rồi bà Elena biết được số tiền đó đến từ đâu.
Cuộc điều tra vụ việc liên quan con bà tiếp tục diễn ra. Bà Elena “sống như không sống”. Bà chỉ nghĩ làm thế nào để giúp con.
Bà liên tục cầu nguyện. Rồi việc cầu nguyện cứ tự động diễn ra. Khi nghĩ con trai mình sẽ ở sau song sắt, bà hoảng sợ. Bà không thể tập trung, không thể ngủ. Thuốc an thần vô dụng với bà. Dù bà làm việc trong hội đồng cảnh sát, song các chi tiết vụ án chỉ gợi lên mớ cảm xúc hỗn độn.
Hầu như ngày nào bà Elena cũng đến để thẩm vấn. Lần nào bà cũng sợ. Quan hệ giữa bà và con trai xấu đi. Bà hiểu rằng những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng với con đã muộn màng. Egor phản ứng: “Mẹ. Đủ rồi. Con thấy mệt lắm rồi”. Bà không thể nói “Mẹ yêu con”. Vì, thời điểm đó, bà không yêu con bà. Bà coi thường.
Nhiều đứa con đã tuột khỏi tay các bà mẹ vì nghiện ngập. |
Và khi bà nhận ra bà coi thường con trai vì đã hủy hoại cuộc đời bà, và tất cả những hy vọng dù là hão huyền nhất của bà dành cho con đều sụp đổ, bà đã bật khóc nức nở. Trái tim bà bị xé từng mảnh. Bà không thể giúp con mình.
Phiên tòa diễn ra vào mùa xuân sau đó. Egor bị xử 3 năm quản thúc. Egor hứa sẽ sống một cuộc đời khác. Nhưng cậu con trai chỉ tìm được công việc tạm thời. Không ai cần “con nghiện” với án treo.
Dù không tin rằng con trai mình tiếp tục sử dụng ma túy, song bà Elena vẫn phải chứng kiến những điều kinh hoàng diễn ra trước mắt.
Egor và bạn gái chuyển đến một thành phố khác, thuê căn hộ, cố gắng sắp xếp cuộc sống bằng cách nào đó và nuôi một chú chó. Một ngày, bạn gái của Egor gọi điện cho bà Elena và nói rằng cô không thể làm gì được. Nghe xong, bà suy sụp.
Một năm trôi qua kể từ khi Egor ngồi tù với bản án 4 năm 8 tháng, bà Elena vẫn chưa thoát ra khỏi hố sâu cuộc đời.
Tình yêu của bà là vết thương, là bệnh tật, dày vò. Nhưng đó là tình yêu.
Egor đứng ở ban công với một chai bia trên tay. Đôi mắt dại đi, anh cứ hét lên điều gì đó. Trông thấy bà Elena, anh gọi bà là kẻ phản bội người cha, bỏ người cha khi Egor mới một tuổi rưỡi. Egor hét vào mặt ai đó từ cửa sổ, dọa nhảy từ tầng 13 nếu bà mẹ không rời đi ngay lập tức.
Lần thứ hai, bà Elena sợ đến mức nghĩ rằng, thế là hết. Mùa đông, Egor mặc quần đùi, cầm cây gậy trên tay kèm những tiếng kêu hoang dại. Anh ta đuổi theo một người vô hình, tưởng tượng rằng có người lạ tán tỉnh bạn gái mình. Lại vẫn là vì ma túy.
Cả thuyết phục, cả đe dọa, bà đưa con trai vào nhà. Egor hét lên rằng mọi người đều đáng trách. Bà siết chặt con trai trong vòng tay, xoa đầu.
Bà Elena không thể thuyết phục con trai cai nghiện. Egor không đến trình diện cơ quan giám sát án treo. Phiên tòa xét xử lại được tổ chức sau đó 6 tháng. Bà tin người ta sẽ nhốt Egor lại. Nhưng thẩm phán chỉ tăng thời gian quản thúc.
Bệnh tật dày vò những đứa con nghiện ngập. |
Egor bị quản thúc tại nhà, nhưng sau 2 tháng cố thoát ra để đến quán bar. Vì những điều đó, Egor bị đưa đến trại tạm giam. Bà Elena đau đớn nhận ra rằng, không còn đường quay lại cho con mình.
Bà như bị nghiền nát. Mọi nỗ lực của bà trở nên vô ích. Bà thất vọng về chính mình. Bà coi mọi thứ mình làm đều rất tệ. Một năm trôi qua kể từ khi Egor ngồi tù với bản án 4 năm 8 tháng, bà Elena vẫn chưa thoát ra khỏi hố sâu cuộc đời.
Thời điểm khi tòa tuyên án xong, hai mẹ con được phép nói chuyện với nhau. Không được nắm tay, không ôm. Bà có thể nói gì lúc đó? Bà cảm thấy yêu con mình hơn bao giờ hết.
Tình yêu của bà là vết thương, là bệnh tật, dày vò. Nhưng đó là tình yêu.
Còn Egor có thể nói gì với mẹ lúc đó, ngoài lời xin lỗi, với đôi tay đang run lên.
Bà Elena nhìn con, hứa đến thăm. Bà sẽ chờ đợi, cầu nguyện và tin rằng mọi điều sẽ ổn. Mỗi ngày, bà dày vò bản thân: Điều gì sẽ xảy ra khi Egor ra tù? Làm thế nào để giúp Egor?
Kirill làm lại cuộc đời
Bà Marina đã gần 70 tuổi, đau đớn kể lại câu chuyện con trai dính đến ma túy khi còn trên ghế nhà trường. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước, khi những bậc cha mẹ như bà Marina không biết ma túy là chất gì.
Kirill mới chỉ 17 tuổi khi cha anh bị giết. Vì quá đau buồn, bà bỏ rơi con trai mình. Khi nhận ra điều gì đó không ổn với Kirill, con bà đã bắt đầu sử dụng heroin.
Khi nhìn thấy con trai trong tình trạng lơ lửng, bà Marina đã rất sợ hãi. Một người ngồi bên cạnh mình nhưng như thể không có ở đó. Bà đưa con mình đến trung tâm cai nghiện. Nhưng mọi thứ vẫn trượt dài.
Kết quả, Kirill bị phạt tù 9 năm vì tội cướp tài sản.
Bà Marina nghĩ mình sẽ chết. Bà mất việc. Khu mỏ nơi bà làm việc đóng cửa. Bạn bè giúp bà tìm được công việc mới. Bà vực dậy và bắt đầu cố gắng sống lại.
Nhiều người mẹ suy sụp khi biết con mình vướng vào ma túy. |
Kirill được ra tù trước hạn có điều kiện. Bạn gái cùng lớp sau khi gia đình tan vỡ quyết định ở bên Kirill. Họ hẹn hò rồi kết hôn, dù bố mẹ cô ấy kiên quyết phản đối. Bản thân bà Marina cũng khuyên cô gái nghĩ lại, nhưng Nina nằng nặc đòi kết hôn.
Kirill được tự do và cuối cùng bỏ được ma túy khi đứa con trai út của anh lên 3 tuổi. Tất cả là nhờ sự quyết tâm và hỗ trợ từ trung tâm phục hồi, cũng như quyết định bỏ quê hương đến nơi không có người nghiện chung quanh và làm lại cuộc đời.
Suốt thời gian dài ở bên con trai, bà Marina luôn sẵn sàng cho con mình mượn một bờ vai. Bà cũng biết ơn cô con dâu, một người thông minh và có ý chí. Khi một người ra tù, điều quan trọng là có những người bên cạnh sẵn sàng chở che.
Nhìn lại mọi chuyện, bà Marina thừa nhận đó là một quãng thời gian vô cùng khó khăn, nhưng bà không ngừng cầu nguyện và yêu mến con trai mình. Điều quan trọng là không bao giờ được từ bỏ, không bao giờ tuyệt vọng.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi so chia sẻ của họ với truyền thông.
Phòng, chống ma túy bắt đầu từ gia đình
Phòng, chống ma túy tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của xã hội Nga. Trang mạng của chính quyền TP Saint Petersburg (Nga) đăng tải ý kiến của chuyên gia thuộc Cơ quan kiểm soát ma túy Nga khẳng định, phòng, chống ma túy phải bắt đầu từ chính gia đình.
Chuyên gia nhận định, tuổi vị thành niên là giai đoạn nhạy cảm, dễ liên quan các vụ buôn bán và tiêu thụ ma túy do dễ bị thao túng. Để giải quyết những rắc rối liên quan ma túy, trước hết cần hiểu thanh thiếu niên không vô tình rơi vào “nhóm nguy cơ” này.
Theo các nhà tâm lý học, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm pháp của trẻ, như việc trẻ vị thành niên sử dụng, lưu hành ma túy, hay nghiện rượu và hút thuốc là do mối quan hệ gia đình. Chính những vấn đề về hiểu biết giữa bố mẹ và con cái, sự thiếu tin tưởng của cha mẹ đã thúc đẩy con cái tìm cách giải quyết khó khăn với những người khác.
Vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trước ma túy. |
Thông thường, thanh thiếu niên có thể bị dụ dỗ thử chất ma túy trên đường, tại nhà bạn bè, vũ trường, câu lạc bộ… Cha mẹ có thể không biết về sở thích mới của trẻ. Thông tin về việc con mình sử dụng ma túy đến với cha mẹ quá muộn, khi động cơ sử dụng ma túy và những hậu quả tâm sinh lý đã không thể đảo ngược.
Theo chuyên gia, cha mẹ thường ít chuẩn bị nhất khi vấn đề về ma túy của trẻ được phát hiện. Chuyên gia đặt câu hỏi, khi một đứa trẻ sử dụng ma túy đến mức ảnh hưởng trầm trọng thành tích học tập, bỏ nhà, lừa dối bố mẹ, mất kiểm soát, thì ai là người có lỗi? Một tổ chức giáo dục không thể và không có quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào một cách độc lập mà không có phụ huynh. Do đó, cha mẹ không nên làm ngơ trước vấn nạn sử dụng ma túy.
Trong trường hợp một đứa trẻ sử dụng ma túy, việc bảo vệ đứa trẻ nên dựa trên các nguyên tắc, cũng như cần sự nỗ lực, kiên trì của cả phụ huynh và con cái.
Chuyên ra đưa ra giải pháp sau. Trước tiên, cha mẹ nên gặp chuyên gia tâm lý để có lời khuyên về cách xây dựng cuộc trò chuyện với trẻ một cách hợp lý; tìm hiểu lý do cho hành vi lạ, khó giải thích của con mình.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm hiểu về các loại ma túy “thế hệ mới”, hay những nơi giải trí dành cho thanh thiếu niên. Mỗi bậc cha mẹ nên biết đứa trẻ giao tiếp với ai, bạn bè chúng như thế nào và dành thời gian rảnh ở đâu.
Phụ huynh cũng cần hỏi bác sĩ để có được thông tin chi tiết về tình trạng và dấu hiệu nhiễm độc ma túy. Sau khi thu thập thông tin và các khuyến nghị, cha mẹ cần làm việc trực tiếp với chính đứa trẻ của mình.
Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ cũng phải đồng ý đưa trẻ đi khám, xét nghiệm, hoặc mua que thử ma túy. Quan trọng nhất, phụ huynh cần hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi kỳ lạ của trẻ. Độ tuổi vị thành niên là giai đoạn nhạy cảm, đòi hỏi sự kiểm soát đặc biệt đối với trẻ.
Cũng theo chuyên gia, “vũ khí” quan trọng nhất để chống lại áp lực của môi trường xã hội tiêu cực đối với trẻ chính là tình yêu thương, sự hiểu biết lẫn nhau và sự hòa thuận trong gia đình. Khi một đứa trẻ tin tưởng cha mẹ, không ngại nói ra những bí mật, tìm đến cha mẹ để xin lời khuyên, nhận được sự thấu hiểu và hỗ trợ, thì trẻ sẽ không đi tìm sự giúp đỡ của bạn bè.
Theo chuyên gia, cha mẹ chịu trách nhiệm chính cho quá trình giáo dục trẻ, với những quy tắc được thiết lập trong gia đình và bằng tấm gương của chính cha mẹ. Sau đó là xã hội hỗ trợ và giúp đỡ trẻ trưởng thành.