Lao động nhập cư làm việc tại một cảng cá ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)
Nội các Thái Lan mới đây đã thông qua việc gia hạn các hợp đồng lao động cho phép hơn 200.000 lao động nhập cư được giữ việc làm, góp phần giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu lao động trong nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ông Poj Aramwattananont, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan kiêm Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kỹ năng và Lao động, cho biết sau các cuộc thảo luận với Phòng Thương mại và Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), Nội các Thái Lan đã thông qua đề xuất của Bộ Lao động về quản lý lao động nước ngoài theo hai nhóm: Biên bản ghi nhớ (MoU) về lao động nước ngoài từ Campuchia, Lào và Myanmar; và Thỏa thuận về lao động nước ngoài từ Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Việc phê duyệt dựa trên nghị quyết nội các từ ngày 5/7/2022 và một nghị quyết khác ngày 7/2/2023. Nhờ đó, những lao động này có thể tiếp tục làm việc tại Thái Lan đến hết tháng 7/2023.
Theo người phát ngôn chính phủ tạm quyền Anucha Burapachaisri, quyết định này nhằm củng cố an ninh kinh tế. Việc gia hạn áp dụng cho những người lao động nhập cư đến theo các MoU liên quan đến lao động được chính phủ ký kết.
Thời gian làm việc kéo dài đến 4 năm và thay đổi tùy thuộc vào loại công nhân.
Ông Anucha cho biết việc gia hạn sẽ hết hạn vào ngày 31/7. Việc gia hạn hợp đồng chỉ kéo dài chừng nào chính phủ tạm quyền hiện tại vẫn hoạt động và biện pháp này có thể được xem xét lại sau khi chính quyền mới được thành lập.
Nội các Thái Lan trước đó đã từ chối yêu cầu gia hạn của Bộ Lao động vì lo ngại tạo ra gánh nặng trách nhiệm cho chính phủ mới, nên để chính phủ mới quyết định vấn đề. Tuy nhiên, ông Anucha cho biết nội các đã thay đổi quyết định và chấp thuận gia hạn vì sự không chắc chắn kéo dài về việc thành lập chính phủ có nguy cơ để lại một khoảng trống lao động lớn.
Theo Phó Thủ tướng tạm quyền Wissanu Krea-ngam, nếu không được gia hạn, những người lao động nhập cư sẽ phải trở về nhà và đợi cho đến khi một chính phủ mới lên nắm quyền trước khi họ có thể quay lại làm việc ở Thái Lan.
Trong khi đó, ông Poj cho biết Thái Lan đang phải đối mặt với những vấn đề về cơ cấu, thiếu hụt trầm trọng cả về số lượng và chất lượng lao động, đặc biệt là trong các ngành du lịch, dịch vụ, xây dựng và bất động sản, chế biến thực phẩm và doanh nghiệp nhỏ.
Đây là những ngành có nhu cầu cao về số lượng lớn lao động để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19./.