Kinh tế

Nỗi buồn đất công ở Đắk Nông(kỳ 3): Lỗ hổng trong quản lý

Nguyễn Lương 02/10/2023 06:06
bia-trong-ky-3.png

Quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn Đắk Nông còn kém hiệu quả. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, trách nhiệm phần lớn thuộc về các đơn vị được giao đất, thuê đất, chính quyền địa phương.

Vướng cơ chế, chính sách

khu-dat-phong-vhtt-cu-jut-1-.jpg
Khu đất công (Phòng Văn Hoá và Thông tin cũ) nằm ở trung tâm huyện Cư Jút bỏ không lâu nay

Theo Sở Tài chính, việc quản lý, sử dụng đất công nói chung thời gian qua kém hiệu quả. Nhiều khu đất công ở thành phố, các huyện còn vướng nhiều vấn đề.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phò, vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương giao Sở Tài chính thẩm định, sắp xếp bán tài sản công đối với khu đất có tài sản gắn liền trên đất.

Đối với một số khu đất không, UBND tỉnh giao Sở TN&MT xây dựng kế hoạch tổ chức bán đấu giá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều khu đất công chưa đủ điều kiện. Nguyên nhân là do các khu đất còn vướng quy hoạch.

khu-dat-phong-vhtt-cj-1-.jpg
Tài sản trên khu đất công (Phòng Văn hoá và Thông tin cũ), thị trấn Ea T'ling (Cư Jút) đã xuống cấp, không sử dụng được, nhưng quá trình thanh lý gặp khó khăn

Đơn cử như thửa đất số 1 (Phòng Văn hóa và Thông tin cũ), thị trấn Ea T'ling (Cư Jút), có diện tích 2.514 m2, tài sản trên đất 966 m2. Hiện nay, tài sản trên đất xuống cấp, không bảo đảm an toàn khi sử dụng.

“Chúng tôi đề nghị thực hiện thanh lý theo phương thức phá dỡ, tiến đến đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bị vướng quy hoạch đô thị nên chưa thể thực hiện được. Tình trạng này xảy ra tại nhiều khu đất công tại các huyện Đắk Mil, Cư Jút, Đắk R’lấp”, ông Phò cho biết.

img_3980(1).jpg
Khu đất công (Tiểu đoàn 301 cũ) ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) rộng thênh thang nhưng cũng chưa phát huy giá trị

Trao đổi về khó khăn trong quản lý, sử dụng đất công, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Nguyễn Anh Đông cho rằng, sự không đồng bộ của quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các ngành đã gây nhiều khó khăn.

“Trước đây, các quy hoạch còn chồng chéo. Nhiều khu đất công muốn đưa vào khai thác cần phải điều chỉnh rất nhiều”

Ông Nguyễn Anh Đông, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đắk Nông

Chưa kể, các cơ chế, chính sách về Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng khi sửa đổi, bổ sung làm ảnh hưởng khá lớn đến quá trình triển khai thực hiện. Muốn hoàn thiện mỗi khu đất, cần sự phối hợp, thống nhất của rất nhiều đơn vị khác nhau.

img_3988(1).jpg
Khu đất công (Tiểu đoàn 301 cũ) nằm ở vị trí khá đắc địa tại trung tâm thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil)

Ông Đông nêu ví dụ, muốn xử lý một khu đất công liên quan đến nhiều ngành, đơn vị khác nhau. Đối với những khu đất công còn gắn tài sản của các hội đồng giải thể còn rất nan giải. Nó liên quan đến các ngành như: Nông nghiệp, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Tòa án…. Để xử lý, đưa vào khai thác là cả một quá trình, không phải ngày một ngày hai.

Ngoài ra, thị trường bất động sản không ổn định, việc định giá đất cụ thể cũng rất khó thực hiện. “Hiện nay, chưa có mẫu số chung nào trong định giá đất nên khâu này làm mất khá nhiều thời gian trước khi đưa ra đấu giá”, ông Đông khẳng định.

img_4011(2).jpg
Một khu đất công đang lãng phí tại huyện Đắk Mil

Quản lý thiếu chặt chẽ

Đánh giá về công tác quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn, Giám đốc Sở TN - MT Nguyễn Văn Hiệp nhận định là kém hiệu quả, nhất là về mặt kinh tế. Một nguyên nhân được ông Hiệp chỉ ra là do công tác quản lý, sử dụng đất công ở các địa phương còn lỏng lẻo.

khu-dat-bao-hiem-xa-hoi-cu-jut(1).jpg
Khu đất công (Trụ sở Bảo hiểm Xã hội Cư Jút) chưa đưa vào khai thác nên cỏ cây mọc um tùm

Theo ông Hiệp, thời gian qua, UBND tỉnh có rất nhiều văn bản chỉ đạo các huyện rà soát quỹ đất công. Các huyện chỉ đạo các xã trực thuộc rà soát, nhưng vẫn chưa hết.

“Quá trình quản lý lỏng lẻo, chính quyền không quản lý tốt. Nhiều diện tích đất Nhà nước bị người dân lấn chiếm nhiều năm. Tài liệu, hồ sơ để xác định các diện tích đất Nhà nước bị thất lạc. Cho nên dù biết là đất Nhà nước bị lấn chiếm, nhưng không có cơ sở để xác định, sự việc cứ thế tồn tại kéo dài”, ông Hiệp khẳng định.

hiep-ky-3-chot.png

Theo ông Hiệp, hiện nay, nhiều nơi chỉ quản lý chung về mặt chính quyền. Khi người dân lấn chiếm, sử dụng, chuyển nhượng không cập nhật kịp thời. Trong đó, phải kể đến những khu đất thuộc các lâm trường cũ. Chưa kể, hạn chế về chuyên môn, nhân lực của các cơ quan quản lý đất đai huyện, thành phố dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất công kéo dài.

Tình trạng quản lý, sử dụng đất công tại các địa phương kém còn thể hiện ở việc thống kê những khu đất xen kẽ trong các khu dân cư. Hiện nay, việc rà soát, tổng hợp các quỹ đất công ở các xã, phường thực chất chưa đầy đủ.

Nhận định về sự quản lý tại địa phương, ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa nhìn nhận, thời gian qua, địa phương có phát hiện đó, nhưng để khai thác đưa vào sử dụng vẫn chưa kịp thời. Đâu đó còn một số khu đất công chưa hoàn thiện toàn diện vì vướng giải phóng mặt bằng. Điều này dẫn đến nhiều khu đất công kéo dài chưa đưa vào khai thác được.

“Đối với một số khu đất công nhỏ lẻ trong khu dân cư, nhiều địa bàn chưa thực sự quản lý sát sao”, ông Tịnh khẳng định.

z4568683846893_3cf38015cfe3ea7e694f0f73cf5150a5-1-.jpg
Nhiều diện tích đất Nhà nước dôi dư trong khu dân cư bị người dân lấn chiếm

Ngoài nguyên nhân quản lý lỏng lẻo, nhận thức pháp luật về đất đai trong Nhân dân còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng vi phạm như: lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất… khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Liên quan đến công tác quản lý đất công nói chung, phần đất dôi dư nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng, các địa phương chưa làm tốt điều này. UBND tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo rất quyết liệt. Tuy nhiên, hiệu quả cấp cơ sở chưa cao.

“Không quản lý tốt, người dân rất dễ lấn chiếm. Đến khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho biết.

yen-chot.png

Trong giai đoạn 2021-2023, Sở TN & MT đã thực hiện 77 quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích cho các tổ chức, cá nhân. Thông qua hoạt động thanh tra, toàn ngành chấn chỉnh nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng.

(Còn nữa)

Nội dung, ảnh: Nguyễn Lương

Thiết kế, đồ họa: Hoài Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi buồn đất công ở Đắk Nông (kỳ 3): Lỗ hổng trong quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO