Nỗi buồn đất công ở Đắk Nông
Nhiều diện tích đất công tại Đắk Nông đang bị lãng phí, chưa được đưa vào sử dụng hiệu quả. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất mà còn kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
LÃNG PHÍ ĐẤT CÔNG
Nhiều diện tích đất công có giá trị cao ở Đắk Nông chưa phát huy hiệu quả. Trong khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào những diện tích đất này lại vướng nhiều thủ tục. Nghịch lý này diễn ra tại Đắk Nông nhiều năm qua và chưa được khắc phục.
Gia Nghĩa là địa bàn hiện có nhiều lô đất công còn bỏ không. Khu đất Khách sạn Thông Xanh án ngữ trên đường 23/3 được xem là lô đất "vàng" vì có vị trí đắc địa.
Vị trí lô đất này được nhiều doanh nghiệp ngắm nghía khi có ý định đầu tư vào Đắk Nông. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều năm qua, lô đất này vẫn chưa phát huy giá trị.
Lý giải về điều này, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất (Sở TNMT) Nguyễn Anh Đông cho hay, tháng 10/2018, đơn vị đã nhận bàn giao thực địa khu đất này theo Quyết định số 1426/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Diện tích thửa đất vào khoảng 4.255,6 m2. Trước đó, thửa đất này thuộc phần quản lý, sử dụng của Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa.
“Trên khu đất đang vướng tài sản liên doanh, liên kết giữa Công ty TNHH MTV Ô tô Tấn Phát Đắk Nông và Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa. Việc định giá, di dời tài sản, bàn giao mặt bằng chưa thực hiện xong nên chưa thể làm gì”, ông Đông nêu nguyên nhân.
Nằm cách đó không xa, khu đất thuộc Khu nhà công vụ trước đây có diện tích 29.998 m2 hiện đang bỏ không. Đây cũng được xem là một trong những khu đất “vàng”. Nằm ở vị trí đắc địa như vậy, nhưng do chưa được khai thác, nên khu vực này cỏ cây mọc um tùm.
Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh cho rằng, trước đây, khu đất vướng công tác giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm. Mới đây, địa phương đã giải quyết xong và bàn giao cho UBND tỉnh.
Đất “vàng” bỏ không, trong khi nhiều nhà đầu tư ngắm nghía nhưng chưa thể làm gì. Công ty Cổ phần Thương mại Việt (TP. Hồ Chí Minh) là một minh chứng. Từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty này đã 3 lần đến Đắk Nông tìm hiểu, đặt vấn đề thuê đất, nhưng chưa có kết quả.
“Chúng tôi muốn đầu tư chuỗi nhà hàng, khách sạn tại Đắk Nông. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, một số vị trí nằm trong tầm ngắm lại vướng nhiều vấn đề”.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Việt
Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Bệnh viện Xuyên Á cũng đang vướng thủ tục thuê đất, nên chưa thể triển khai dự án. Theo ông Nguyễn Xuân Bé, Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng Công ty, đơn vị đang triển khai 2 dự án tại Cư Jút và TP. Gia Nghĩa.
Đối với dự án tại Cư Jút đã khởi công. Riêng dự án tại Gia Nghĩa mới có chủ trương, nhưng chưa thể triển khai vì vướng quy hoạch chi tiết sử dụng đất.
“Vướng khâu này, chúng tôi chưa thể triển khai các khâu chuẩn bị đầu tư. Điều này phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai dự án”, ông Bé khẳng định.
Ngoài những lô đất đắc địa còn bỏ không, nhiều diện tích đất Nhà nước trên địa bàn Đắk Nông đã bị người dân lấn chiếm. Tình trạng này dẫn đến đất Nhà nước không phát huy tác dụng. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Theo Sở TNMT, từ năm 2004 đến nay, riêng tại 2 xã Quảng Trực, Đắk Ngo (Tuy Đức) có 16 doanh nghiệp tư nhân được UBND tỉnh cho thuê đất.
Tổng diện tích đất tại thời điểm cho thuê đối với 16 doanh nghiệp là 8.981,7 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, có khoảng 3.394 ha bị lấn chiếm, chiếm 37,79% diện tích thực hiện dự án của các doanh nghiệp.
Đơn cử như Công ty TNHH Đầu tư Long Sơn bị 229 hộ dân lấn chiếm, tranh chấp, với diện tích 784 ha. Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới đang bị 320 hộ lấn chiếm, tranh chấp với diện tích 1.348 ha. Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 59 đang bị 66 hộ dân lấn chiếm, tranh chấp, với diện tích 549 ha…
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hiệp cho biết, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất công còn xảy ra nhiều ở các nông, lâm trường trước đây. Trong đó, nhiều vụ việc vẫn tồn tại, tỉnh chưa xử lý được.
Cũng tại huyện Tuy Đức, mới đây nhất, tình trạng người dân tranh chấp, lấn chiếm đất của Nhà nước xảy ra tại cụm CN - TTCN Quảng Tâm. Cụm công nghiệp này rộng gần 35 ha.
Quá trình triển khai, UBND huyện Tuy Đức đã rà soát, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng toàn bộ 35 ha. UBND huyện đã giao đất sạch cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận (TP. Hồ Chí Minh) thuê đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, công ty để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, sang nhượng trái phép.
Đây là nguyên nhân dẫn đến đất Nhà nước cho thuê không phát huy hiệu quả. Ngược lại, điều này còn gây bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương. Trước tình hình này, UBND tỉnh buộc phải ra quyết định thu hồi toàn bộ dự án.
Một khía cạnh nữa đang xảy ra tình trạng lãng phí đất Nhà nước đó là thuê đất, sử dụng đất tại các khu, cụm công nghiệp. Khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút) là một ví dụ.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Tâm Thắng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thành lập tại Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 28/10/2002. Tổng diện tích được phê duyệt là 179 ha, vốn đầu tư 230 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6/2023, Khu công nghiệp Tâm Thắng thu hút được 41 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 2.931 tỷ đồng. Trong đó, có 32 dự án đi vào hoạt động, 9 dự án được chấp nhận đăng ký đầu tư, đang triển khai thực hiện. Trong tổng số 32 dự án hoạt động, chỉ có 21 dự án hoạt động hiệu quả, 11 dự án hoạt động cầm chừng.
Điều đáng nói, sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, khu công nghiệp chỉ thu được gần 70 tỷ đồng từ hoạt động cho thuê đất. Như vậy, bình quân mỗi năm khu công nghiệp chỉ thu được 3,5 tỷ đồng từ thuê đất. Chưa kể, số nộp ngân sách Nhà nước rất hạn chế. Điều này, đồng nghĩa với việc đất, cơ sở hạ tầng của Nhà nước thực sự đang lãng phí.
Cụm công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp BMC Đắk Nông, xã Đắk Ha (Đắk Glong) còn thảm cảnh hơn. Dự án được UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào 2/11/2007, với diện tích 374.415 m2, với thời hạn 70 năm.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 83 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11/2007 đến tháng 6/2010.
Mục tiêu của dự án là đầu tư hạ tầng để cho thuê lại đất. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm chậm tiến độ, UBND tỉnh Đắk Nông đang hoàn thiện thủ tục để thu hồi quyết định đầu tư dự án này.
Nội dung, ảnh: Nguyễn Lương
Thiết kế, đồ họa: Hoài Anh
(Còn nữa)