Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy công cuộc tái thiết. (Ảnh REUTERS) |
Ban hành quy định tái thiết
Ngày 24/2, Thổ Nhĩ Kỳ công bố quy định đối với công cuộc tái thiết tại các khu vực bị ảnh hưởng động đất. Theo sắc lệnh của Tổng thống, các cá nhân và tổ chức được phép xây dựng và quyên góp nhà ở, nơi làm việc và trao cho người dân bị ảnh hưởng. Các khu vực đất khô cằn và không thuộc diện đất rừng có thể được dùng để xây dựng. Cơ quan chức năng sẽ xác định các khu tái định cư thuộc diện tạm thời hay lâu dài, dựa trên chất lượng của nền đất và khoảng cách đến vị trí đường nứt gãy do động đất.
Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 160.000 tòa nhà, với hơn 520.000 căn hộ, bị sập hoặc hư hỏng nghiêm trọng do động đất vừa qua. Hiện hàng triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải ở nơi trú tạm trong thời tiết mùa đông lạnh giá. Các lực lượng chức năng đã dựng 313.000 lều bạt và bố trí 100.000 nhà tạm là các container tại những khu vực bị ảnh hưởng động đất.
Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ mở rộng điều tra các nhà thầu xây dựng bị nghi vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn. Theo Bộ Nội vụ, 564 nhà thầu đã được xác định thuộc diện nghi vấn, trong đó hơn 160 người đã bị bắt giữ và nhiều người đang bị điều tra.
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất 50 điểm cơ bản xuống 8,5% nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế quốc gia. Trong thông báo sau cuộc họp chính sách hằng tháng, ngân hàng nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng hiện nay là duy trì tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, bảo đảm việc làm cho người dân.
Ổn định cuộc sống cho người dân
Ðiều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc Muhannad Hadi (M.Ha-đi) thông báo, Liên hợp quốc sẽ tăng cường chuyển hàng viện trợ tới khu vực tây bắc của Syria trong vài ngày tới nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng động đất. Ông Hadi bày tỏ hy vọng sớm đạt được tần suất 40 chuyến xe/ngày trong tuần này. Liên hợp quốc cảnh báo, cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ làm bùng phát các dịch bệnh lây lan qua nguồn nước, do cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, trong ngày 23/2 đã có 53 xe tải từ miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đến tây bắc Syria, mang theo lương thực và các nhu yếu phẩm là hàng viện trợ của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Trong hai tuần qua, hơn 300 xe đã tới tây bắc Syria.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tạm thời nới lỏng các biện pháp trừng phạt Syria trong 6 tháng, góp phần đẩy nhanh vận chuyển hàng cứu trợ tới Syria. EU nhấn mạnh, các nước thành viên đang nỗ lực tăng cấp viện trợ nhân đạo cho Syria.