Binh sỹ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tuần tra tại Zvecan, miền Bắc Kosovo, ngày 30/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận trong những cuộc đàm phán riêng rẽ với EU tại Brussels (Bỉ) ngày 22/6, các nhà lãnh đạo của Serbia và Kosovo không đạt được đồng thuận về những giải pháp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti đã được mời đến tham dự những cuộc họp “quản lý tình trạng khủng hoảng” sau khi EU và Mỹ yêu cầu hai bên ổn định tình hình.
Tuy vậy, hai nhà lãnh đạo này không gặp nhau một cách trực tiếp, mà thay vào đó là tiến hành những cuộc đàm phán riêng rẽ với ông Borrell.
Đại diện cấp cao của EU chia sẻ: “Sau cuộc gặp kéo dài 4 tiếng, tôi cho là hai nhà lãnh đạo đã hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Nhưng rõ ràng là họ đang ở những vị thế khác nhau, có quan điểm tiếp cận khác nhau, cách diễn giải khác nhau.”
Ông Borrell cũng kêu gọi Serbia trả tự do “ngay lập tức” cho 3 sỹ quan cảnh sát Kosovo, đồng thời nhấn mạnh quan điểm về việc tổ chức những cuộc bầu cử địa phương mới ở miền Bắc Kosovo.
Trước đó, trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Borrell đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm căng thẳng "ngay lập tức" và tổ chức các cuộc bầu cử mới ở phía Bắc Kosovo với sự tham gia của người Serbia ở Kosovo.
Ông cho rằng "điều này là tối quan trọng cho khu vực và EU."
Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo gia tăng kể từ hôm 14/6 sau khi Belgrade tuyên bố bắt giữ 3 sỹ quan cảnh sát Kosovo trên lãnh thổ Serbia.
Tuy nhiên, chính quyền Kosovo cho rằng lực lượng Serbia đã kéo 3 sỹ quan đó ra khỏi vùng lãnh thổ này.
Đáp lại, Tổng thống Vucic đã bác bỏ lập luận từ phía Kosovo, đồng thời tuyên bố Serbia sẵn sàng cung cấp những bằng chứng về vụ việc cho ủy ban điều tra quốc tế.
Trong khi đó, Kosovo thông báo sẽ ngừng cho phép ôtô mang biển số của Serbia vào vùng lãnh thổ này.
Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008. Vùng lãnh thổ này có khoảng 1,8 triệu dân, trong đó 90% là người gốc Albania.
Khoảng 120.000 người gốc Serbia sống tại miền Bắc Kosovo không công nhận chính quyền này./.