Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng nơi biên giới Ia H'Drai

THANH XUÂN| 18/10/2023 16:26

Ia H’Drai, huyện biên giới phía Tây Nam của tỉnh Kon Tum, là địa phương có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 95 nghìn ha, trong đó, diện tích có rừng trên 85.372ha, với tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 87%, cao nhất cả tỉnh. Để đạt được kết quả đó, những năm qua, toàn hệ thống chính trị huyện đã chung tay vào cuộc, nỗ lực để bảo vệ và phát triển rừng, giữ trọn màu xanh cho những cánh rừng nơi biên giới.

Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng nơi biên giới Ia H'Drai ảnh 1
Anh Bùi Văn Vi chăm sóc rừng cây xoan của gia đình.

Bảo vệ rừng từ việc thay đổi nhận thức và hành động của nhân dân

Là một huyện biên giới có “tuổi đời” vừa hơn 8 năm, với nhiều thành phần dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc miền núi phía bắc và bắc miền trung cùng sinh sống, lập nghiệp, chủ yếu làm công nhân cho các công ty cao su trên địa bàn.

Khi đến định cư tại huyện “mới”, người dân cũng đem theo những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình để tạo nên một bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú.

Tuy nhiên, xuất phát điểm về kinh tế và mặt bằng dân trí của nhân dân không đồng đều, đời sống kinh tế-xã hội của người dân còn khó khăn khi trong tay còn thiếu tư liệu sản xuất.

Chính vì vậy, việc người dân vô tình hoặc cố ý phá rừng làm nương rẫy, hay khai thác các sản phẩm từ rừng để phục vụ cuộc sống là nhu cầu khách quan của người dân. Đã có những bản án về tội “Hủy hoại rừng” được tuyên, là những hồi chuông cảnh tỉnh để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, huyện Ia H’Drai đã nỗ lực huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhất là những người có uy tín trong thôn.

“Mưa dầm thấm đất”, nhờ sự nỗ lực vận động, tuyên truyền của toàn hệ thống chính trị, và việc triển khai có hiệu quả những chính sách lâm nghiệp, hỗ trợ cho người dân địa phương phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững, đã dần thay đổi nhận thức và hành động của người dân.

Trong ba năm trở lại đây, người dân đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ việc phát rừng làm nương rẫy đã chuyển sang cùng chung tay với chính quyền địa phương trồng rừng, trồng cây phân tán tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đến nay, huyện Ia H’Drai đã trồng được 957,2ha rừng (đạt 68,3% chỉ tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021-2025) và trồng được 143.963 cây phân tán (đạt 72% chỉ tiêu Kế hoạch giai đoạn 2021-2025).

Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng nơi biên giới Ia H'Drai ảnh 1
Anh Bùi Văn Vi chăm sóc rừng cây xoan của gia đình.

Tham gia chuyến kiểm tra khu vực rừng trồng của gia đình anh Bùi Văn Vi (thôn 2, xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai), chúng tôi được anh Vi cho biết, khu vực rừng được anh trồng từ năm 2022 với khoảng 2.500 cây xoan, còn năm nay, gia đình anh cũng được Nhà nước cấp thêm khoảng 9.000 cây giống keo để trồng diện tích khoảng 5 ha.

Không giấu được sự phấn khởi của mình, anh Vi bày tỏ hy vọng trồng cây nào sống cây đấy, anh và gia đình sẽ cố gắng chăm sóc cho cây phát triển và sinh trưởng tốt để thay đổi cuộc sống của gia đình.

Hướng đến mục tiêu phát triển rừng bền vững

Thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, trong những năm qua, huyện Ia H’Drai đã tổ chức công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, chú trọng công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, phục hồi rừng, trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán.

Với sự hướng dẫn, đồng hành của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các hộ gia đình đã triển khai thực hiện nghiêm trách nhiệm bảo vệ rừng theo “Khế ước bảo vệ rừng” đã ký kết.

Rừng được giao đã được bảo vệ tốt hơn, các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng đã được hạn chế đáng kể. Đồng thời, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng, góp phần xoá đói, giảm nghèo, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng nơi biên giới Ia H'Drai ảnh 2
Thác 7 tầng nằm trong cánh rừng nguyên sinh đang được huyện Ia H’Drai bảo tồn.

Chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn quản lý, bảo vệ đã phát huy hiệu quả trên cả ba phương diện: Kinh tế, xã hội và môi trường, không những góp phần bảo vệ và nâng cao độ che phủ của rừng, mà còn còn tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, dần xóa bỏ tập quán canh tác nương rẫy lạc hậu, chuyển sang trồng rừng, bảo vệ, phát triển rừng để tạo nguồn thu nhập bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân.

Cùng với việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác giao đất, giao rừng đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, cộng đồng dân cư sống gần rừng và có thể nói đây là một trong những giải pháp quản lý bảo vệ rừng hiệu quả.

Với phương châm “Điểm nóng ở đâu, chốt, trạm ở đó”, huyện đã thành lập 21 chốt, trạm bảo vệ rừng được bố trí tại các vị trí xung yếu nằm tại các khu vực có nguy cơ xâm hại rừng cao; trên các tuyến đường biên giới, quốc lộ, Tỉnh lộ, đường liên xã; đường dân sinh từ rừng đi ra khu dân cư.

Những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tích cực vào cuộc cả hệ thống chính trị, công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Ia H’Drai đã được triển khai thường xuyên, liên tục và có hiệu quả.

Trong năm 2022, các lực lượng, địa phương đã phối hợp tổ chức tuần tra, truy quét được 311 đợt với 1.259 lượt người tham gia. Qua đó, phát hiện được 9 vụ vi phạm, giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2021 (tương ứng giảm 43,75%), diện tích rừng thiệt hại giảm 20,824ha (tương ứng giảm 100%).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã tổ chức tuần tra, truy quét được 83 đợt với 529 lượt người tham gia. Trên địa bàn huyện số vụ vi phạm, khối lượng và mức độ thiệt hại đã giảm đáng kể, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2022, không thiệt hại về diện tích rừng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sau khi kết thúc mùa vụ trồng rừng năm 2023 cũng là giai đoạn bước vào mùa khô trên địa bàn huyện, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

Để tiếp tục giữ vững các chỉ tiêu về diện tích có rừng và tỷ lệ che phủ rừng, huyện đã chỉ đạo và giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2023 và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đặc biệt là việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và tiếp tay cho các đối tượng vi phạm Luật lâm nghiệp; đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện theo dõi, chỉ đạo.

Với những quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Ia H’Drai trong thời gian tới sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/no-luc-bao-ve-va-phat-trien-rung-noi-bien-gioi-ia-hdrai-post778231.html
Copy Link
https://nhandan.vn/no-luc-bao-ve-va-phat-trien-rung-noi-bien-gioi-ia-hdrai-post778231.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng nơi biên giới Ia H'Drai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO