Mặc dù trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt Công an tỉnh Kon Tum đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm trên mạng xã hội, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh “nhẹ dạ”, tin theo những lời “ngọt” “chào mời” trên mạng, tự ý xuất cảnh sau đó bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo, bị giam giữ, bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản thậm chí bị uy hiếp đến tính mạng và yêu cầu gia đình nạn nhân nộp số tiền chuộc rất lớn mới được cho về nước.
![]() |
Công an tỉnh cùng chính quyền địa phương đã đến thăm, chia sẻ khó khăn và động viên tinh thần anh A Nhanh tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. |
Anh A Nhanh (sinh năm 2006, thôn Ba Ham, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) là một trong số những nạn nhân như vậy. “Trước em và 2 người bạn nữa xuống Bình Dương làm được gần 1 tháng rồi. Với mức lương thấp, nên tụi em rủ nhau tìm hiểu trên mạng fecabook và thấy họ giới thiệu công việc với mức lương 1.000 USD/ tháng. Sau đó, tụi em được một người lái ôtô chở sang Campuchia. Lúc đầu mới vào họ cho đánh máy tính, viết bài mà em không hiểu gì cả, không có làm được. Họ nói nếu không làm thì không về được Việt Nam, rồi không làm là họ đánh đập, thậm chí dí bằng roi điện vào ngực. Khi em trốn được ra ngoài cùng A Kun, sinh năm 2005, cùng trú tại xã Đắk Na nhưng bị lạc nhau, em cứ thế đi bộ ở rừng đến khi thấy được đường nhựa và bắt được một chiếc xe để cầu cứu họ đã đưa em về đồn Công an của đất nước Thái Lan gần đó và cho phiên dịch người Việt để em liên lạc về gia đình” - A Nhanh kể lại.
Chị Y Dân, chị của A Nhanh chia sẻ: Hôm đấy, em đang ở nhà thì thấy chuông điện thoại của Nhanh, em mừng lắm tưởng em được về nhà rồi. Nhưng khi nói chuyện với chị phiên dịch viên người Việt thì mới biết Nhanh đang bị giữ ở Thái Lan, chưa có giấy tờ để về, gia đình có gửi tiền để hỗ trợ Nhanh ăn uống sinh hoạt trong thời gian chờ ở trại tị nạn Thái Lan. Và gia đình được chính quyền cũng như Công an hỗ trợ kinh phí 25.000.000 đồng để đưa A Nhanh về nước.
Cũng như A Nhanh, A Sói (xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) sau 3 ngày trở về từ “địa ngục trần gian” với lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” của các đối tượng lừa đảo xuyên biên giới vẫn chưa hết bàng hoàng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, có cha bị bệnh tâm thần mà A Sói đã vướng vào lời dụ dỗ để qua đất Campuchia làm việc. Sau một năm bôn ba, không ít lần bị đánh đập, hành hạ, cuối cùng A Sói đã được hỗ trợ về nước và đoàn tụ cùng gia đình.
![]() |
Công an tỉnh đã đến thăm, chia sẻ khó khăn và động viên A Sói sớm ổn định tâm lý, cố gắng lao động sản xuất. |
A Sói (xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) chia sẻ: Trước em làm ở Tjafnh phố Hồ Chí Minh, công việc với mức lương thấp. Em thấy các lời mời trên mạng nên em đã đăng ký và họ đưa em qua Campuchia làm được 4 tháng, em làm không được họ bán em cho một công ty khác của Myanma được thêm 7 tháng. Công việc là mỗi ngày em sử dụng máy tính có tài khoản “ảo” do công ty đã thiết lập để kiếm 3 đến 4 khách hàng. Khi có “con mồi” thì nhắn tin chào mời, nếu không có khách là họ không cho ăn, đánh đập.
A Nhanh và A Sói là hai trong 04 trường hợp được Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh hỗ trợ trở về nước an toàn. Trước đó, vào tháng 2/2025, có 4 công dân Kon Tum trốn được ra ngoài sau thời gian làm việc tại các công ty lừa đảo ở đất nước Campuchia. Ngay khi nắm được thông tin, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ nhanh chóng liên lạc với gia đình các nạn nhân để hướng dẫn, vận động về nước. Ngay sau đó, A Kun (sinh năm 2005) và A Kiên (sinh năm 2005) đều cư trú tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông đã trở về nước an toàn qua cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai. Đến ngày 21/3, A Nhanh và A Sói về đến Việt Nam và được hỗ trợ trở về địa phương vào ngày 23/3.
Ông Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Qua các trường hợp xảy ra vừa qua trên địa bàn, chính quyền địa phương phối hợp Công an xã, Công an tỉnh Kon Tum và các ngành có liên quan xây dựng các kế hoạch tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu đi tìm những công việc theo lời mời “việc nhẹ lương cao” rất nguy hiểm. Đối với các trường hợp công dân muốn có công ăn việc làm thì có thể liên hệ trực tiếp với UBND xã để được hỗ trợ.
Các vụ lừa đảo xuyên biên giới với thủ đoạn tinh vi, nhắm vào người dân nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng thực chất, đằng sau những viễn cảnh màu hồng ấy là một cạm bẫy tàn khốc, nơi người lao động chân chất bị biến thành công cụ cho các tổ chức tội phạm, bị bóc lột, đánh đập.
Cuộc chiến chống lại các đường dây lừa đảo xuyên biên giới không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng, cơ quan công an mà còn cần sự tỉnh táo và cảnh giác từ mỗi cá nhân trong xã hội. Khi mỗi người dân hiểu rõ nguy cơ, nhận thức được hậu quả và chủ động bảo vệ bản thân, những kẻ lừa đảo sẽ không còn cơ hội để thực hiện hành vi phạm pháp.