Năng động phát triển kinh tế
Dù lần đầu gặp mặt, nhưng bà Nguyễn Thị Huế để lại ấn tượng trong chúng tôi về người phụ nữ nhanh nhẹn, thân thiện, cởi mở, với nụ cười thường trực trên môi. Tháng 3, thời điểm xoài đang đậu quả, bà Huế cùng chồng vừa vận hành hệ thống tưới vừa tranh thủ vặt bớt xoài non giống "3 mùa" để nuôi cây và bán cho đại lý thu mua làm muối, làm gỏi. Để tăng thu nhập, cùng với vụ chính, gia đình bà Huế còn sản xuất xoài trái vụ.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Huế cho biết, năm 2001, gia đình bà từ tỉnh Nam Định vào xã Đắk Gằn lập nghiệp, với vốn liếng là khoảng 5 ha đất bạc màu, cằn cỗi. Ban đầu, tận dụng tối đa diện tích đất, gia đình bà trồng xen canh cây màu ngắn ngày vào vườn tiêu, cà phê để “lấy ngắn nuôi dài”. Quá trình canh tác, nhận thấy vùng đất Đắk Gằn phù hợp với cây ăn trái, nhất là cây xoài nên gia đình bà đã mạnh dạn trồng xen canh cây xoài, vú sữa, sầu riêng.
Trên khoảng 3 ha đất vốn khô cằn, sỏi đá, gia đình bà Nguyễn Thị Huế đã phủ kín nhiều loại cây ăn quả |
Tuy công việc luôn tay luôn chân nhưng theo bà Huế, so với cà phê, hồ tiêu thì trồng xoài nhẹ nhàng hơn nhiều. Bà Huế chia sẻ: “Việc xen canh, đa cây vừa có thể tiết kiệm được diện tích đất, vừa có thêm thu nhập thường xuyên, không phụ thuộc vào một loại cây trồng. Sau vài năm, xoài, vú sữa cho thu hoạch ổn định, gia đình mạnh dạn thay thế cây tiêu, cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp để trồng các loại cây ăn trái. Trong quá trình trồng, gia đình chọn giống rất kỹ để có được trái cây có chất lượng, hiệu quả nhất".
Đến nay, trên khoảng 3 ha đất (chia cho 2 người con 2 ha) vốn khô cằn, sỏi đá đã được gia đình bà Huế phủ kín nhiều loại cây ăn quả như xoài, mít Thái, bưởi, vú sữa... mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng năm. Ngoài ra, gia đình bà Huế còn bố trí thêm chuồng trại để chăn nuôi giống heo rừng lai, dê để tận dụng phân bón cây trồng giảm chi phí cũng như mang lại nguồn thu, thực phẩm sạch cho gia đình.
Bà Huế tâm sự: “Để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nông dân phải luôn quan tâm đến chất lượng cây giống, tích cực học hỏi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, sự cần cù, đam mê là những yếu tố quan trọng giúp những người làm nông có được thành công".
Bà Nguyễn Thị Huế còn chăn nuôi giống heo rừng lai, dê để tăng thu nhập |
Không chỉ làm giàu cho gia đình, với người dân trong vùng, bà Huế luôn sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế. Không những thế, với những trường hợp khó khăn, gia đình bà Huế còn cho vay con giống, đến khi đàn vật nuôi được xuất bán, mới phải trả chi phí.
Gương mẫu đi đầu
Với những nỗ lực của mình, năm 2006 bà Nguyễn Thị Huế được kết nạp vào Đảng và năm 2009 được đảng viên tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Tân Định. Bà Huế còn được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã liên tục 3 nhiệm kỳ.
Hơn 12 năm làm bí thư chi bộ thôn, bà Huế luôn tâm niệm, để bà con tin và làm theo thì mình phải là người đi đầu trong mọi hoạt động, miệng nói, tay làm, phải luôn gần gũi, lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của dân. Bà Huế cho biết: “Trên cương vị nào tôi cũng xây dựng đoàn kết trong chi bộ và các đoàn thể. Có như thế, chúng tôi mới cùng nhau đi tuyên truyền, vận động bà con chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình được”.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bà Huế đã cùng chi bộ vận động người dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm thiết thực. Bản thân gia đình bà Huế và các con đều gương mẫu, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí để xây dựng đường giao thông...
Đơn cử, tuyến đường thôn trước mặt nhà bà Huế trước đây chỉ là lối mòn, đi lại khó khăn. Trước tình hình đó, không chỉ tự nguyện hiến đất để mở rộng đường, gia đình bà Huế còn thuê xe đổ đất, san gạt, mở rộng nhiều đoạn đường, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong thôn thuận tiện, dễ dàng hơn.
Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Huế (ở giữa) gương mẫu đi đầu trong hiến đất mở đường, để người dân noi theo |
“Để vận động được người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới thì bản thân mình và các đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong hiến đất, đóng góp kinh phí. Người dân thấy vậy thì sẵn sàng ủng hộ, làm theo thôi”, Bí thư Nguyễn Thị Huế bộc bạch.
Sau hơn 12 năm trên cương vị Bí thư Chi bộ thôn, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của bà Huế là hầu hết bà con trong thôn đều đã thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp theo hướng đa cây, đa con, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, hộ nghèo của thôn giảm còn 2 hộ (theo tiêu chí cũ), tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng lên. Các công trình dân sinh như đường giao thông nông thôn, điện thắp sáng… được người dân đồng thuận ủng hộ, xây dựng khang trang, phục vụ phát triển kinh tế, đời sống sinh hoạt.
Bí thư Đảng ủy xã Đắk Gằn Nguyễn Văn Điệp đánh giá: “Bà Nguyễn Thị Huế là một bí thư chi bộ năng nổ, ngoài phát triển kinh tế, còn tích cực, gương mẫu đi đầu tham gia các phong trào như hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ các hộ nghèo, người già neo đơn vươn lên trong cuộc sống”.
Bằng những đóng góp thiết thực cho phong trào chung của địa phương, bà Nguyễn Thị Huế được Huyện ủy Đắk Mil chọn là 1 trong 3 mô hình đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025 để nhân rộng ra toàn huyện.