Sự hồi phục thần kỳ
Trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, từ các bệnh nhi 7 tháng tuổi cho đến các bệnh nhân lớn tuổi có nhiều diễn tiến phức tạp, không ít lần đội ngũ y, bác sĩ tham gia trực tiếp điều trị phải trải qua những cung bậc cảm xúc, hết lo âu, hồi hộp để rồi vỡ òa vui sướng.
Xét nghiệm Covid-19 được thực hiện tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh |
Bác sĩ Nguyễn Đăng Trung, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil chia sẻ: “Chúng tôi nhớ mãi bệnh nhân có mã số 98.630 trú tại xã Đắk Môl (Đắk Song) có yếu tố dịch tễ đi về từ Bình Dương, nhập viện ngày 25/7 với các triệu chứng ho và sốt, với diễn tiến nhanh, phức tạp. Đến ngày 26/7, bệnh nhân có biểu hiện khó thở với kết quả chụp XQ tổn thương phổi hoàn toàn, mờ lan tỏa 2 phế nang, đám mờ 1/2 dưới phổi trái và 1/3 dưới phổi phải.
Mặc dù rất lo lắng, song với trách nhiệm người thầy thuốc, các bác sĩ trong kíp trực và cả trung tâm đã khẩn trương tiến hành hội chẩn và mời đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển qua hồi sức cấp cứu và đặt máy trợ thở, thoát được "lưỡi hái tử thần" trong tích tắc. Không những vậy, trước tình hình nguy kịch của bệnh nhân, các y bác sĩ đã dốc toàn lực cấp cứu, điều trị, theo dõi dấu hiệu sinh tồn 30 phút 1 lần, đồng thời chăm sóc, bón cho bệnh nhân từng thìa cháo, muỗng sữa mỗi giờ”.
Nhờ sự nỗ lực cấp cứu, điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ngày càng được cải thiện, các triệu chứng bệnh giảm dần đến hết. Đến ngày 14/8 vừa qua, sau 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và các chỉ số ổn định, bệnh nhân đã đủ điều kiện được xuất viện. Đây được coi là thành công lớn của đội ngũ y, bác sĩ điều trị Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil trong thời gian qua.
Niềm vui chung
Ngày 9/7, Đắk Nông ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) nhưng đến chiều 30/7, Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh (Bệnh xá Công an tỉnh) đã trao giấy ra viện cho bệnh nhân có mã số 40924, là lái xe, địa chỉ ở xã Mỹ An, huyện Chợ Mới (An Giang), nhập viện vào ngày 15/7.
Chỉ 3 ngày sau, vào chiều 2/8, Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh tiếp tục trao giấy ra viện cho 2 bệnh nhân có mã số 26004 và 31604. Tiếp đó, chiều 6/8, Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh tiếp tục trao giấy ra viện cho 2 bệnh nhân có mã số 28474 và 37455 khỏi bệnh. Trong đó, bệnh nhân 26004 là bệnh nhân đầu tiên tại Đắk Nông được phát hiện mắc Covid-19 và nhập viện vào ngày 9/7.
Liên tiếp những ngày sau đó, hàng ngày luôn có các bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh và xuất viện. Cụ thể, tính từ ngày 9/7 đến 6/9, toàn tỉnh đã có 169 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, chiếm hơn một nửa so với ca mắc bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.
Trước khi trở về nhà, các bệnh nhân bày tỏ sự vui mừng và gửi lời cảm ơn chân thành tới đội ngũ y, bác sĩ đã ngày đêm chữa bệnh cho mình, đồng thời hứa sẽ tuân thủ cách ly tại nhà theo đúng quy định.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 |
Bác sĩ Nguyễn Đăng Phượng, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Để đánh giá quá trình cách ly, chữa trị trong cơ sở điều trị có an toàn hay không là đánh giá qua việc tránh được lây nhiễm chéo giữa các nhân viên y tế và bệnh nhân và giữa bệnh nhân với nhau. Với việc luôn tuân thủ đúng phác đồ của Bộ Y tế trong quá trình điều trị, chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, cách ly, theo dõi điều trị”.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Glong, phụ trách Bệnh viện dã chiến số 1 chia sẻ: "Khi được giao nhiệm vụ chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế luôn xác định cần phải nỗ lực hơn nữa. Qua thời gian thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm có thêm nhiều kinh nghiệm về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là hạn chế không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, bảo vệ lực lượng tuyến đầu để có thể chiến đấu lâu dài với Covid-19".
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Trần Quang Hào khẳng định, đây là thắng lợi ban đầu của công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đắk Nông trong đợt bùng phát dịch lần này. Họ được xuất viện không những là niềm vui riêng của bệnh nhân mà thực sự là niềm vui chung của ngành Y tế, của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch đang vào hồi cam go này.
Bên cạnh các trang thiết bị máy móc sẵn có, các khu điều trị được đầu tư, bố trí thêm các loại máy thở để phục vụ bệnh nhân trong lúc cấp bách diễn biến nặng. Điều đáng mừng, đa phần bệnh nhân sức khỏe ổn định, chuyển biến tích cực. Chỉ một số ít trường hợp diễn biến nặng song đã được các bác sĩ theo dõi chặt, can thiệp kịp thời, hiện đã vượt qua cơn nguy kịch, các chỉ số lâm sàng dần ổn định…
>> Kỳ cuối: Sẵn sàng cho cuộc trường kỳ chống dịch