Những vườn cây ăn trái gắn với du lịch ở Ðắk Mil

Hưng Nguyên| 21/07/2022 09:08

Trồng nhiều loại cây ăn trái để khách đến tham quan, thưởng thức, mua về. Những mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch này đang phát huy hiệu quả, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

ADQuảng cáo

Tháng 5/2020, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thế Độ, ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới rộng 1.700 m2 để trồng nho. Anh nhập về 550 gốc nho giống Hồng Nhật, móng tay, nho kẹo... về trồng.

Sau hơn 8 tháng trồng và chăm sóc, nho đã ra quả bói. Đến nay, vườn nho của anh đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Theo anh Độ, vườn nho có thể cho thu hoạch tới 10 năm, mỗi năm 2 vụ.

Chi phí đầu tư cho vườn nho mùa sau giảm hơn mùa trước, nhưng năng suất sẽ tăng gấp 3 lần kể từ vụ thứ 2. Điều này giúp cho người trồng nho có lãi hơn sau vụ thứ nhất.

Mỗi ngày, vườn của anh đón tiếp khoảng 150 lượt khách đến tham quan. Phần lớn khách đều mua nho mang về hoặc thưởng thức tại chỗ. Vụ thu hoạch nho kéo dài khoảng nửa tháng, nên thu hút được khá nhiều khách tham quan.

Vườn nho của anh Độ thu hút khá nhiều khách đến tham quan

Ngoài vườn nho, khu sản xuất của anh Độ còn có hơn 5.000m2 nhà lưới trồng dưa lưới, dưa hấu. Anh Độ cho biết, thời gian đầu, anh hơi bỡ ngỡ vì chỉ đầu tư sản xuất đơn thuần, nhưng nay đã quen với việc kết hợp du lịch.

Việc mở cửa đón khách du lịch giúp anh có thêm kênh bán hàng khá hiệu quả. Nho được anh Độ bán tại vườn với giá 180.000 đồng/kg, dưa lưới có giá 45.000 đồng/kg.

Tương tự, năm 2016, anh Lê Văn Quang, ở thôn Tây Sơn, xã Long Sơn (Đắk Mil), mua hơn 2,5 ha đất để sản xuất nông nghiệp. Để tìm hướng phát triển sản xuất phù hợp, anh Quang gửi mẫu đất, nước đi kiểm tra.

Sau khi có kết quả xét nghiệm đất, anh quy hoạch vườn và tiến hành trồng 500 cây bưởi da xanh; 600 cây xoài cát Hòa Lộc, Đài Loan; 100 cây na; 150 cây mít Thái; hơn 200 cây ổi…

Đến nay, tất cả các loại cây trồng đã cho thu hoạch. Anh Quang chọn hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Anh áp dụng quy trình sản xuất, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.

ADQuảng cáo

Để tận dụng các loại trái cây hư hỏng, thải loại, anh Quang chăn nuôi 5 con heo rừng lai sinh sản. Mỗi năm, đàn heo sinh sản từ 50 - 70 heo con.

Ngoài bán heo giống, heo thịt, anh dự tính phát triển đàn heo thành sản phẩm phục vụ du lịch trong tương lai. Anh tận dụng phân heo để bón cho các loại cây trồng, giúp giảm chi phí đầu tư.

Không dừng lại ở phát triển nông nghiệp đơn thuần, trên 2,5 ha đất, anh Quang mở nhiều đường để tiện sản xuất, phục vụ khách du lịch tham quan vườn cây.

Khách đến thăm quan, mua trái cây tại vườn sẽ tạo kênh bán hàng mới cho nông dân

Hiện nay, anh Quang đã mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, thưởng thức trái cây và nghỉ ngơi, thư giãn tại vườn. Mỗi tháng, vườn cây thu hút khoảng 200 lượt khách đến tham quan, mua trái cây.

"Bán trái cây tại vườn cho khách cũng là kênh bán hàng khá hiệu quả. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ du khách cũng giúp tôi có thêm thu nhập", anh Quang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu, ở xã Thuận An (Đắk Mil) cho biết, chị được tham quan vườn cây, được chủ vườn giới thiệu về quy trình sản xuất, được thưởng thức, đánh giá nông sản. Điều này khiến chị cảm thấy rất thú vị.

"Mắt thấy, tai nghe, nếm thử trái cây tại vườn, thực sự là một trải nghiệm thú vị và mang lại cho tôi nhiều điều bổ ích", chi Thu chia sẻ.

Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil, nhiều người dân trên địa bàn đang đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với các dịch vụ du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các mô hình sản xuất kết hợp du lịch đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là cách tạo ra kênh bán hàng mới hiệu quả cho nông dân.

Tuy nhiên, hình thức sản xuất này còn khá mới, chưa được nhiều nông dân áp dụng. Do đó, huyện Đắk Mil sẽ có sự đánh giá cụ thể và định hướng phát triển loại hình sản xuất này phù hợp trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những vườn cây ăn trái gắn với du lịch ở Ðắk Mil
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO