Học và làm theo Bác Hồ

Những việc cần làm ngay với sự nghiệp đổi mới và cuộc đấu tranh chống tiêu cực

T.H 22/05/2024 05:53

“Những việc cần làm ngay” trở thành một nhu cầu, một đòi hỏi, một sự cổ vũ và động viên.

bac-ho.jpg
1920x1080-2.png

Sáng hôm sau, ngày 25/5, bạn đọc gần xa thấy xuất hiện trên báo Nhân Dân bài báo với đầu đề in đậm Những việc cần làm ngay. Đầu đề bài báo đầu tiên đó trở thành một chuyên mục được đông đảo bạn đọc ưa thích. Cho đến nay, vừa tròn hai tháng. “Những việc cần làm ngay” trở thành một nhu cầu, một đòi hỏi, một sự cổ vũ và động viên. Cho đến bài báo của N.V.L. ngày 10/7/1987, sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ và quần chúng nhân dân đã phát triển thành một phong trào. Hằng ngày, báo Đảng nhận được mấy trăm thư và bài bạn đọc gửi đến hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”. Mấy chục ngành và tỉnh, thành phố đã có chỉ thị hưởng ứng với tinh thần N.V.L. tức là “nói và làm”.

Cũng nên nhớ lại thời điểm xuất hiện bài báo đầu tiên đó để hiểu bối cảnh xã hội ra đời một chuyên mục báo chí được sự hưởng ứng rộng rãi của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Lúc đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai đã công bố được hơn một tháng. “Bốn giảm”, trong đó giảm nhịp độ tăng giá là một mục tiêu quan trọng. Nhưng tình hình giá cả vẫn diễn biến xấu. Nhịp độ tăng giá không những không giảm mà còn tăng, làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, lưu thông và đời sống nhân dân. Bài báo đầu tiên đó yêu cầu: “Trật tự giá cả cần phải được tôn trọng”; đó thật sự là một việc cấp bách, cần phải làm ngay. Giá cả tiếp tục tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có “nguyên nhân bất chính” như bài báo đã phân tích và tác giả yêu cầu “các cơ quan tuyên truyền (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình...) phải phản ánh và lên án, phải chỉ đích danh những cá nhân, những cơ quan, những tổ chức... làm các việc trái với chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2”, “các cơ quan pháp luật phải lôi các vụ, việc làm sai trái lớn để nghiêm trị và kết quả thế nào phải đưa rõ lên các cơ quan ngôn luận cho nhân dân biết”. Nhắc lại hoàn cảnh lịch sử ra đời chuyên mục này, chúng ta thấy rõ mục tiêu “Những việc cần làm ngay” nhằm bảo đảm thực hiện các nghị quyết của Đảng, và muốn thực hiện các nghị quyết của Đảng thì phải đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực.

Từ mục đích ban đầu, tác giả “Những việc cần làm ngay” trong những bài sau đó, từng bước làm rõ thêm mục đích, nội dung, phương châm và phương pháp trong cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực.

“Từ khi chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước phát động phong trào nói thẳng, nói thật. Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cần” - ngay từ bài báo thứ hai trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, tác giả đã nêu rõ như vậy. Và sau đúng một tháng, ngày 25/6, đồng chí N.V.L. còn nêu rõ những việc cần làm ngay, không chỉ trên mặt trận chống tiêu cực mà trên cả mọi lĩnh vực khác của các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra”. Như vậy, định hướng của “Những việc cần làm ngay” thật rõ ràng, gắn liền biểu dương với phê phán, hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; nêu lên phong cách mới, giải quyết những vấn đề đặt ra một cách dứt điểm theo tinh thần nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, mở rộng tính công khai, dân chủ.

Trong “Những việc cần làm ngay” có việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực. Chống các hiện tượng tiêu cực, thực hiện công bằng xã hội là một nhiệm vụ cấp bách trước mắt và thường xuyên lâu dài xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng ở hầu hết các lĩnh vực, khi là một điểm quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, củng cố bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, khi là một chính sách xã hội quan trọng, là một yếu tố thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa... Đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực không phải là vấn đề mới. Chúng ta đã làm thường xuyên, và chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc vận động. Hằng năm, các cơ quan Đảng và Nhà nước thi hành kỷ luật đảng viên, cán bộ, xét xử các vụ tội phạm không ít. Nhưng những hiện tượng tiêu cực không giảm, lại còn nặng, và ngày càng có tính phổ biến. Ngay ở những nơi tưởng như thâm nghiêm, ở những lĩnh vực tưởng như người làm ở đó đã được chọn lọc kỹ càng, nhưng những hiện tượng tiêu cực với đủ sắc phục vẫn len lỏi tới. Đó là điều mà mọi người đang suy nghĩ, băn khoăn. Nó phá hoại kinh tế. Nó làm trật tự xã hội đảo lộn, làm xói mòn các giá trị đạo đức, làm rối loạn nguyên tắc phân phối. Cuối cùng, nó phá hoại niềm tin mà ai đó đã nói rất đúng: Mất niềm tin là mất tất cả, lớn hơn cả mất cắp và mất cướp. Chống tiêu cực là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng, “dọn đường cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết khác của Đảng nhằm đưa nước nhà khỏi cảnh khó khăn, đi đến ổn định tình hình mọi mặt, làm cho dân bớt khổ, ngày càng được hạnh phúc, như Di chúc Bác Hồ đã dặn: “Làm cho xã hội ta đã tốt đẹp, ngày càng tốt đẹp hơn nữa” [1], dân mới tin Đảng, Đảng mới càng hiểu dân, tin dân”. Ý nghĩa nhân văn rộng lớn, xét theo lợi ích của toàn xã hội, của cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực chính là ở chỗ đó.

Đúng là cơ chế quan liêu, bao cấp đã tạo ra điều kiện xã hội cho các hiện tượng tiêu cực nảy nở. Một số kẻ thoái hóa, biến chất đang luyến tiếc và muốn co kéo lại cơ chế bảo thủ, quan liêu để dễ ra uy, ban ân, làm rối loạn kỷ cương, dễ bề đục khoét. Nhưng cũng không nên có ảo tưởng cho rằng có cơ chế mới thì tiêu cực tự nhiên sẽ mất đi, như có lúc chúng ta đã nghĩ lầm rằng với khoán sản phẩm thì một số hiện tượng tiêu cực trong kinh tế ở nông thôn sẽ không còn nữa. Những kẻ thoái hóa biến chất trong các cơ quan đảng, nhà nước cùng với bọn đầu cơ, buôn lậu ngoài xã hội, móc nối với nhau, có trăm phương nghìn kế. Thời nào chúng cũng tìm ra cách để ăn cắp của công, mưu lợi riêng, tìm cách đàn áp những người nào “dám” ngăn cản hành vi phạm tội của chúng.

Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra phương hướng đổi mới. Đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Những vấn đề cụ thể trong cuộc sống phải được giải quyết theo hướng đổi mới đúng đắn mới có lối ra. Nhưng thực tiễn đã cho chúng ta thấy việc thực hiện các quyết sách đổi mới phải gắn liền với việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực. Đồng chí N.V.L. cũng đã nhắc: “Đồng thời với chống tiêu cực, chấn chỉnh cán bộ là nhanh chóng đề ra và phổ biến các phương thức làm ăn mới phù hợp với yêu cầu mới của nền kinh tế nước ta”. Như thế có nghĩa là chống cái xấu xa luôn tốt đẹp, chống tiêu cực không tách rời mà là gắn liền với đổi mới.

Cũng có thể nói, trên một số lĩnh vực, không chống tiêu cực thì không thể có sự đổi mới đúng đắn. Chúng ta thử nghĩ mà xem, mọi vụ ăn cắp theo các kiểu khác nhau, mọi thứ phân phối nội bộ không hợp pháp, mọi khoản tiền đút lót gọi sang trọng là “giao dịch phí”, mọi cuộc chè chén xa hoa lãng phí, mọi vụ làm hỏng sản phẩm... đều được rút ra từ thu nhập quốc dân, làm một cuộc phân phối lại và đều được tính rất chu đáo ở phần “đầu vào” thì làm thế nào mà có thể tính giá thành sản phẩm hợp lý để “đầu ra” không đội giá thị trường đã hình thành. Liên kết, hợp tác là một hình thức kinh tế mới mẻ, năng động, đem lại nhiều lợi ích cho sản xuất, lưu thông, nhưng đã bị những bọn xấu ở khá nhiều cơ sở lợi dụng lấy tiền chênh lệch giá vì lợi ích cục bộ hoặc bỏ vào túi riêng, nhận “hoa hồng” ngoài chứng từ để ký hợp đồng mua bán không có lợi cho tập thể..., thật sự là đã xuyên tạc sự liên kết đúng đắn làm giảm hiệu quả liên kết. Rồi việc kéo bè, kéo cánh, sắp xếp người trong họ, người thân giữ các chức vị then chốt hình thành các “băng” trù úm người ngay, người không ăn cánh, người dám trái ý, và hà hiếp dân lành... thì làm sao có thể tạo nên sự phấn khởi trong đông đảo người lao động để thúc đẩy sản xuất theo tinh thần đổi mới. Đổi mới không chỉ có chống tiêu cực, nhưng rõ ràng là chống tiêu cực cũng là một bộ phận của đổi mới và không chống tiêu cực thì khó có thể đổi mới đúng hướng trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, chống tiêu cực có định hướng, là trước hết nhằm vào những lĩnh vực cần đổi mới.

Cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực lần này, tuy mới bắt đầu, nhưng đã có khởi sắc mới theo tinh thần công khai, dân chủ. Không phải là lần đầu tiên chúng ta mới dựa vào đông đảo quần chúng trong các cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực. Điều mới mẻ là lần này thực hiện tính công khai rộng rãi hơn, tạo ra công luận và theo tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ VI là làm cho không một cá nhân hay một tập thể nào có thể đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương xã hội. Công khai gắn liền với dân chủ. Đó chính là sức mạnh mới và cũng chính là điều mà những kẻ thoái hóa biến chất sợ nhất và đang tìm cách chống lại. Trong cuộc đấu tranh này, công luận có sức mạnh rất to lớn, nhưng không phải là duy nhất. Mọi người đều quan tâm tới dư luận xã hội, nhưng kỷ cương xã hội chỉ có thể lập lại trên cơ sở pháp luật. Chính vì thế mà chúng ta nêu lên: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và phải sống và làm việc theo pháp luật. Đồng chí N.V.L. nhắc nhở mọi người coi trọng công luận nghĩa là không “bỏ ngoài tai” ý kiến của quần chúng - nhưng cũng viết: “Pháp chế xã hội chủ nghĩa kết hợp với sức mạnh của dư luận quần chúng để đấu tranh chống tiêu cực”. Và cuối cùng phải pháp luật, phải thực hiện quản lý đất nước bằng pháp luật.

Các cơ quan thông tin đại chúng như đồng chí N.V.L. đã chỉ rõ, “là công cụ để thực hiện chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được giao trách nhiệm “tiếp tục phát hiện, theo dõi để giúp đỡ pháp luật và các cơ quan có trách nhiệm điều tra xử lý nhanh chóng, chính xác, triệt để mọi vụ việc”. Đó là trách nhiệm xã hội rất to lớn và nặng nề. Muốn thực hiện được nhiệm vụ đó, đồng chí đã khuyên những người cầm bút cần có “tấm lòng trong sáng”, “tấm lòng cương trực” và yêu cầu những người được giao một công cụ rất quan trọng này phải có “động cơ trong sáng, tấm lòng chân thành và ý thức trách nhiệm cao”. Thông tin đại chúng là kênh công khai rộng rãi nhất, một dòng tin phát đi là cả triệu người cùng biết, dễ hình thành công luận, do đó, nếu sử dụng đúng thì có hiệu quả rất to lớn. “Nghiêm minh và công bằng” cũng là lời dặn của đồng chí N.V.L. đối với người làm báo. Làm đúng được nhân dân hoan nghênh, cũng là góp một phần vào cuộc đấu tranh chung. Làm có thiếu sót, cũng công khai tự phê bình, vì báo chí cũng hòa mình vào chứ không phải đứng ngoài và đứng trên phê bình. Chúng ta giữ cho mình tấm lòng “yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án”. Làm được như thế, thì rõ ràng “vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xua dần bóng tối”.

HỮU THỌ

Báo Nhân Dân, 12067, ngày 25/7/1987.


[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr.312 (B.T).

nhung-viec-can-lam-ngay.jpg
Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Những việc cần làm ngay với sự nghiệp đổi mới và cuộc đấu tranh chống tiêu cực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO