Những việc cần làm ngay (bài 27)
Một trong những biện pháp quan trọng nhất để đưa nền kinh tế nước ta ra khỏi cơn khủng hoảng là phải đẩy mạnh sản xuất, tức là đẩy mạnh việc thực hiện 3 chương trình: sản xuất nông nghiệp (trong đó lương thực, thực phẩm đứng hàng đầu), sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu. Đồng thời Bộ Cơ khí, Bộ Năng lượng cũng phải có chương trình để phục vụ 3 chương trình trên.
Ta lại còn cần có chương trình xuất nhập khẩu đúng đắn để chỉ nhập những gì thật cần thiết cho sản xuất, hạn chế hẳn hay hạn chế tối đa nhập hàng tiêu dùng, nhất là xa xỉ phẩm, không nhập những hàng gì trong nước đã sản xuất được.
Đảng và Chính phủ đã có chủ trương, đã nói nhiều lần về vấn đề này. Nhưng, tiếc thay, việc nhập khẩu tràn lan hàng tiêu dùng vẫn không giảm, thậm chí còn có xu hướng ngày càng tăng, nhất là những mặt hàng cao cấp, xa xỉ!
Theo báo Nhân Dân ngày 18/9/1989, chỉ ở cửa khẩu Hải Phòng trong tháng 8 vừa qua đã nhập đến 20.707 xe máy, 320 máy chiếu video casset, 180 radio casset, 725 tủ lạnh. Riêng ô-tô du lịch (xe con) 6 tháng đầu năm nhập 340 chiếc và chỉ 2 tháng 7 và 8 nhập thêm 510 chiếc, tổng số là 850 chiếc!
Trong cả nước, nếu kể hết các cửa khẩu biển và đất liền (tức hàng từ Thái Lan qua Campuchia, Lào rồi nhập vào Việt Nam vừa công khai, vừa nhập lậu qua các tỉnh biên giới) thì con số sẽ là khủng khiếp.
Ngay cả những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, chất lượng không thua hàng ngoại, như vải, quần áo may sẵn, máy bơm nước, máy cày, máy xới đất; như nhiều loại thuốc lá, bia, xà phòng thơm, xà phòng gội đầu chất lượng tốt, bao bì đẹp, giày dép da, nhựa đẹp, giá rẻ hơn hàng ngoại nhiều; nhưng bán vẫn không chạy bằng hàng ngoại!
Kết quả tai hại là sản xuất trong nước bị nghẽn lại, vàng và ngoại tệ bị tiêu phí thay vì tung ra mua nguyên liệu, vật tư để đẩy mạnh sản xuất trong nước, đẩy mạnh kinh tế quốc gia.
Đề nghị:
1- Nhà nước phải đặt một hàng rào thuế quan thật nghiêm, đánh thuế thật nặng vào các mặt hàng xa xỉ, vào các mặt hàng nào trong nước đã sản xuất được. Nghiêm trị bọn buôn lậu (đến nay ta xử nhẹ quá).
2- Hội đồng Bộ trưởng phải:
a) Không cho nhiều bộ quyền cấp cô-ta xuất nhập lung tung như hiện nay.
b) Không cho bất cứ cơ quan nào, địa phương nào, cá nhân nào cũng có quyền xuất nhập khẩu để lấy chênh lệch đút túi. Phải tổ chức lại cho quy củ, ngăn nắp. Phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên. Phải trừng trị thật nặng những ai làm bậy, không tuân theo pháp luật, quy định, trừng trị ai; trừng trị thế nào phải công bố trên báo chí để làm gương.
c) Phải quản lý tiền ngoại tệ thật chặt chẽ, không để cho các bộ, các công ty, các địa phương xuất khẩu được ngoại tệ rồi tiêu lung tung, nhập hàng ngoại lung tung.
3- Song song phải có những chính sách ủng hộ các xí nghiệp quốc doanh, tư nhân, ủng hộ ngành tiểu thủ công nghiệp để họ làm ăn tốt, sản xuất tốt, cạnh tranh được với hàng ngoại.
4- Các đoàn thể, các cơ quan thông tin, báo chí phải mở những đợt tuyên truyền, vận động nhân dân dùng hàng nội, không dùng hàng ngoại, hàng xa xỉ phải tiết kiệm.
Nêu thành khẩu hiệu: “Dùng hàng nội là yêu nước”, “Tiết kiệm là yêu nước”.
N.V.L.
-------------
Báo Nhân Dân, số 12817, ngày 20/9/1989.