Những trở lực đối với nền kinh tế Eurozone

TIẾN DŨNG| 10/12/2023 06:51

Nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) ghi nhận tín hiệu tích cực khi tỷ lệ lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua. Tuy nhiên, những nguy cơ từ giá năng lượng biến động, lãi suất ngân hàng tăng cao, bất ổn địa chính trị... vẫn đe dọa kéo lùi đà tăng trưởng của khu vực.

Cuộc chiến đẩy lùi cơn bão lạm phát tại Eurozone đã thu được kết quả tích cực khi tỷ lệ lạm phát giảm xuống còn 2,4% tháng 11 vừa qua, từ mức 2,9% của tháng trước đó.

Lạm phát tăng phi mã từng là cơn ác mộng đối với châu Âu khi tình trạng giá cả hàng hóa leo thang đã phủ bóng lên nhiều nền kinh tế và trở thành gánh nặng đối với người dân trong khu vực.

Giới phân tích nhận định, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) liên tiếp tăng lãi suất 10 đợt trong hơn một năm qua đã góp phần quan trọng đưa lạm phát giảm từ đỉnh điểm 10,6% tháng 10/2022 xuống tiệm cận mức mục tiêu 2%.

Lạm phát tăng phi mã từng là cơn ác mộng đối với châu Âu khi tình trạng giá cả hàng hóa leo thang đã phủ bóng lên nhiều nền kinh tế và trở thành gánh nặng đối với người dân trong khu vực.

Vì vậy, việc lạm phát giảm tháng thứ 3 liên tiếp làm gia tăng hy vọng của các nhà đầu tư về việc ECB có thể giảm lãi suất, tiếp thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn đưa ra nhận định thận trọng về triển vọng ghìm cương đà tăng giá tại Eurozone thời gian tới. Chủ tịch ECB Christine Lagarde dự báo, giá cả hàng hóa có thể tăng trở lại vào tháng này, do chính phủ các nước dỡ bỏ dần những biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp trước cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ngoài ra, theo tờ Financial Times, có nhiều yếu tố khiến các nền kinh tế gặp khó khăn trong việc đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, trong đó có vấn đề giá năng lượng. Sự điều chỉnh giảm mạnh của giá năng lượng thời gian qua đóng vai trò quan trọng giúp kéo tỷ lệ lạm phát hạ nhiệt. Tại Eurozone, giá năng lượng đã giảm 11,5% trong tháng 11 so mức cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 11,2% vào tháng 10.

Tuy nhiên, thời gian tới, không loại trừ khả năng giá vàng đen có thể đảo chiều tăng trở lại do thời tiết giá lạnh trong mùa đông và những diễn biến của cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel cho rằng, hiện còn quá sớm để Eurozone tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Chủ tịch Bundesbank dự báo lạm phát sẽ tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm dần, đồng thời không loại trừ khả năng việc ứng phó cơn bão nguy hiểm này trong giai đoạn tiếp theo có thể khó khăn hơn.

Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng nhận định, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục giảm, nhưng triển vọng lạm phát trong trung hạn vẫn không chắc chắn. Theo bà Lagarde, mục tiêu đưa lạm phát về 2% của ECB sẽ chỉ đạt được vào nửa cuối năm 2025.

Mặc dù góp phần không nhỏ xoa dịu cơn bão lạm phát, song chính sách tiền tệ thắt chặt đã kéo theo những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Eurozone. Chi phí đi vay cao khiến nhiều lĩnh vực quan trọng như bất động sản, ngân hàng chịu tổn hại.

Theo ECB, khi chi phí đi vay tăng cao, dòng tiền của nhà đầu tư và khách hàng đổ vào thị trường bất động sản đi xuống. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi nhu cầu vay vốn giảm. Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp ngày 14/12 tới, ECB sẽ phải đối mặt một bài toán hóc búa về việc có nên tiếp tục cắt giảm lãi suất để giảm lạm phát hay giữ chi phí đi vay ổn định nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Trong báo cáo về sự ổn định tài chính vừa được công bố, ECB nhận định, sự ổn định tài chính của Eurozone sẽ vẫn mong manh. Nguy cơ khu vực rơi vào suy thoái kinh tế vẫn có thể xảy ra.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh, hoạt động kinh tế tại Eurozone đã trì trệ trong những quý gần đây và dự kiến vẫn yếu kém hết năm nay. Bà Lagarde cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone trong quý III giảm nhẹ do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm tác động của lãi suất cao, nhu cầu từ bên ngoài yếu và động lực tăng trưởng giảm sau khi mở cửa lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone năm 2023 dừng ở mức 0,6%, trong khi đó tăng trưởng năm 2024 là 1,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so mức dự báo trước đó.

Giới phân tích nhận định, những trở lực ngăn cản đà tăng trưởng của nền kinh tế Eurozone vẫn còn rất mạnh mẽ, vì vậy năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhung-tro-luc-doi-voi-nen-kinh-te-eurozone-post786764.html
Copy Link
https://nhandan.vn/nhung-tro-luc-doi-voi-nen-kinh-te-eurozone-post786764.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Những trở lực đối với nền kinh tế Eurozone
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO