Năm 2014, anh Nghe quyết định chọn giống cải trắng Nhật Bản để trồng bởi thời gian canh tác ngắn, chất lượng củ cải ngọt, mọng nước, mẫu mã đẹp, dễ tiêu thụ. Để cây cải phát triển tốt, anh tìm đất trồng tơi xốp, gần nguồn nước và cho lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để tiết kiệm thời gian và nhân lực chăm sóc. Từ 1,3 ha, sau 45 ngày canh tác, anh thu được 65 tấn củ, với giá bán khoảng 3.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi 50 triệu đồng/vụ.
Anh Hồ Văn Nghe liên kết với các hộ dân khác để trồng hơn 10 ha củ cải trắng Nhật Bản |
Theo anh Nghe, cây cải trắng Nhật Bản có thể trồng quanh năm, nhưng để cây phát triển tốt thì trên một diện tích đất chỉ nên trồng khoảng 2 vụ rồi nghỉ 1 vụ mới trồng lại. Trong thời gian nghỉ, để tận dụng đất, anh luân canh trồng cây rau màu khác để có thêm thu nhập. Để có nguồn thu từ củ cải ổn định, anh thường thuê đất của nhiều hộ gia đình khác nhau và trồng gối đầu. Với cách làm này, một năm anh có thể trồng được khoảng 7 vụ củ cải trắng.
Anh Nghe còn liên kết với nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã và ở các huyện Đắk Mil, Đắk Song để cùng trồng giống củ cải trắng Nhật Bản. Anh hỗ trợ kỹ thuật, phân, giống, bà con chỉ cần bỏ đất, công chăm sóc. Củ cải sau khi thu hoạch sẽ được anh Nghe đến thu mua tận nơi.
Hiện tại, anh Nghe đã liên kết với người dân trồng trên 10 ha củ cải trắng Nhật Bản để bán cho các đầu mối tiêu thụ ở trong tỉnh và các tỉnh khác như TP. Hồ Chí Minh, Long An, Vũng Tàu… Anh Nghe còn thu mua củ cải trắng tại các hộ gia đình trồng khác nếu có nhu cầu. Trung bình, mỗi ngày, anh cung cấp từ 10 -15 tấn củ cải trắng để bán ra thị trường.
Anh Hồ Văn Nghe có nguồn thu nhập khá từ việc trồng củ cải trắng Nhật Bản |
Theo anh Nghe, gia đình anh chuyển hướng sang trồng củ cải trắng sau một thời gian dài canh tác khoai lang không đạt hiệu quả như mong muốn và thật sự gặp nhiều may mắn với cây trồng mới này. Sau khi đi học hỏi nhiều nơi, sau nhiều năm canh tác, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng củ cải trắng và tìm đầu ra, mạnh dạn thu mua sản phẩm.
Anh Nghe cho biết: "Nếu chỉ một mình tôi trồng thì khó có nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các bạn hàng. Nhờ việc vừa trồng vừa liên kết với các hộ dân khác, tôi có thể chủ động được nguồn nguyên liệu củ cải để bỏ mối cho các thương lái. Nhờ vậy, chúng tôi tăng nguồn thu nhập mà không phải đầu tư nhiều".