Những thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt tài sản

Linh Thư| 19/11/2021 08:41

Vì tiền, nhiều đối tượng đã sử dụng điện thoại thông minh, các thiết bị công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Nhiều người dân vì cả tin, mất cảnh giác đã vô tình trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tinh vi này.

Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Đắk Mil đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo N.Đ.Mạnh (SN 1998), trú tại xã Đắk Lao (Đắk Mil) vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, Mạnh thấy chị N.T.T.Hiền đến đại lý thu mua cà phê của gia đình mình bán cà phê nên hỏi mượn tiền nhưng không được đồng ý. Biết chị Hiền có tiền, nên Mạnh đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị. Mạnh nói rằng thẻ ATM của mình bị hỏng, không thể rút tiền nên sẽ chuyển tiền vào tài khoản của chị Hiền và nhờ chị rút ra đưa lại cho mình. Tin lời nói là thật, chị Hiền đã đồng ý giúp và đưa số tài khoản của mình cho Mạnh chuyển khoản.

Mạnh dùng một số điện thoại khác tự nhắn tin vào sim điện thoại của mình với nội dung “TK 0310xxxx9999/GD: -20,000,000VND…”. Sau đó lưu trong danh bạ số điện thoại này là “MB BANK” để tạo tin nhắn chuyển tiền giả của ngân hàng gửi đến xác nhận mình đã chuyển khoản cho chị Hiền.

Sau khi ngụy tạo xong, Mạnh đến gặp chị Hiền, đồng thời đưa tin nhắn chuyển tiền giả này để cho chị xem làm tin. Tin tưởng Mạnh đã chuyển tiền cho mình, chị Hiền đưa cho Mạnh mượn số tiền 15 triệu đồng.

Với cách làm tương tự, Mạnh ngụy tạo tin nhắn chuyển khoản cho chị Hiền 50 triệu đồng và nhờ chị Hiền ứng trước cho mình thêm 2 lần nữa với số tiền 3,5 triệu đồng. Sau khi đưa tiền cho Mạnh, chị Hiền đợi mãi vẫn chưa thấy tài khoản của mình nhận được tiền nên tìm Mạnh để hỏi nhưng không liên lạc được và đã trình báo lên cơ quan chức năng.

Bằng thủ đoạn gian dối, Mạnh đã chiếm đoạt của chị Hiền tổng số tiền 18,5 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Từ bằng chứng có được, Tòa án nhân dân huyện Đắk Mil đã tuyên phạt N.Đ.Mạnh 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng vì “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Tuổi còn trẻ nhưng N.P.Tường, trú tại TP. HCM lại lười lao động, không có việc làm ổn định, chỉ ham chơi game. Để có tiền xài, Tường đã tận dụng sự am hiểu về công nghệ thông tin của bản thân để tạo các trang thông tin điện tử giả chương trình truyền hình “Gia đình yêu thương” và “Nữ sinh thanh lịch lần thứ 9” rồi gửi đường link của các trang giả cho nhiều người dùng Facebook nhờ nhấn vào đường dẫn bình chọn cho thí sinh tham gia cuộc thi.

Bằng cách này, Tường đã chiếm quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội Facebook của người khác và giả danh chủ tài khoản nhắn tin với bạn bè của họ để hỏi mượn tiền. Tường đã thực hiện chiếm đoạt tài sản của 25 bị hại là người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các tỉnh khác với tổng số tiền 97,7 triệu đồng.

Từ hành vi phạm tội, Tường đã bị Tòa án nhân dân huyện Đắk Mil tuyên phạt 3 năm tù giam vì tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 của Bộ luật Hình sự.

Những bản án là bài học thích đáng cho các đối tượng lười lao động, muốn có tiền tiêu xài, bất chấp các quy định pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Qua các vụ án, mỗi người dân nên đề cao cảnh giác, cần xác minh rõ, kỹ càng thông tin trước khi cho người khác mượn tiền, không nhẹ dạ, cả tin để trở thành nạn nhân cho kẻ xấu lợi dụng.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/phap-luat-doi-song/nhung-thu-doan-tinh-vi-chiem-doat-tai-san-90189.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/phap-luat-doi-song/nhung-thu-doan-tinh-vi-chiem-doat-tai-san-90189.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Những thủ đoạn tinh vi chiếm đoạt tài sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO