Những tâm tư trước giờ... sáp nhập
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ có những người phải giảm biên chế, đồng thời phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CCVC-NLĐ). Do đó, không tránh khỏi những tâm tư cần quan tâm, hỗ trợ.
Để tạo sự đồng thuận, an tâm tư tưởng cho CB, CCVC-NLĐ, nhất là những đơn vị thuộc diện sắp xếp đợt này đòi hỏi ngoài tuyên truyền, vận động cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Có tâm tư, hồi hộp, lo lắng
Thực tế qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cho thấy, khâu khó nhất trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là lựa chọn cán bộ, bởi có người lên, người xuống, người tiếp tục ở lại, người phải rời đi. Do đó, việc lựa chọn cán bộ vừa đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng cao vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy đòi hỏi phải thận trọng, dân chủ, minh bạch, dựa trên các tiêu chuẩn, chức danh, nhận xét, đánh giá…
So với những năm trước vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thời điểm này, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tiếp tục được Trung ương, tỉnh thực hiện quyết liệt hơn, mạnh hơn. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 382-CV/BCSĐ gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản.
Tỉnh Đắk Nông dự kiến hợp nhất Sở Kế hoạch - Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên - Môi trường với Sở Nông nghiệp - PTNT; Sở Thông tin - Truyền thông với Sở Khoa học - Công nghệ. Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các sở Nội vụ, Y tế, Giáo dục - Đào tạo và Ban Dân tộc.
Chị N. hiện đang công tác tại một đơn vị cấp tỉnh thuộc diện sắp xếp, sáp nhập đợt này. Sau nhiều năm làm việc ở đơn vị hiện tại, chị N. có chút “hụt hẫng” khi sắp tới dự kiến sẽ có sự thay đổi về tên gọi, nơi làm việc.
Theo chia sẻ của chị N, những ngày qua, nhiều đồng nghiệp trong đơn vị của chị đều có chung cảm xúc. Thậm chí có người đã liên hệ để tìm một công việc mới, dự phòng cho trường hợp sau khi sáp nhập, sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy sẽ không có vị trí việc làm phù hợp với trình độ, chuyên môn.
“Đơn vị tôi hiện công tác, nhiều anh, chị đã làm việc từ khi cơ quan mới được thành lập sau khi tái lập tỉnh Đắk Nông. Nhiều người đã phấn đấu gần 20 năm hoặc hơn thế để có được một vị trí việc làm như ngày hôm nay. Do đó, khi sáp nhập, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy bên trong, họ có thể phải bắt đầu lại”, chị N. tâm sự.
Chị L. một trong những viên chức đang công tác tại một đơn vị thuộc diện sáp nhập đợt này. Trái với tâm lý lo lắng của chị N., chị L. đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho sự thay đổi lớn, chưa từng có từ trước đến nay.
“Tôi có chút háo hức, hồi hộp khi sắp tới 2 cơ quan sáp nhập lại thành một. Tôi nghĩ rằng, ở đâu mình cũng làm việc phù hợp, đúng năng lực, chuyên môn nên việc thay đổi này sẽ mở ra cơ hội, môi trường mới để chúng tôi phát huy hơn nữa năng lực của bản thân”, chị L. cho biết.
Mục đích của chủ trương sáp nhập, sắp xếp, tinh gọn lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị là “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Bên cạnh những lo lắng và háo hức, nhiều CB, CCVC-NLĐ đều có chung mong muốn đó là quá trình sáp nhập diễn ra một cách minh bạch và hợp lý. Họ kỳ vọng những chính sách rõ ràng, bảo đảm quyền lợi và đánh giá công bằng, cùng với việc đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để tăng cường khả năng thích nghi trong môi trường mới.
Làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm quyền lợi
Theo Đảng ủy Khối CCQ - DN tỉnh, từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã trải qua 4 lần thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy.
Năm 2004, tỉnh Đắk Nông được tái lập và thành lập Đảng bộ Khối CCQ tỉnh. Năm 2008, Đảng bộ Khối CCQ tỉnh chia tách thành 2 tổ chức là Đảng bộ Khối CCQ tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh. Năm 2019, 2 đảng bộ lại hợp nhất thành Đảng bộ Khối CCQ - DN tỉnh. Hiện nay, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng kết thúc hoạt động của Đảng bộ Khối CCQ - DN tỉnh.
Việc chia tách, sáp nhập nhiều lần đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của CB, CCVC-NLĐ. Do đó, lãnh đạo, tổ chức công đoàn của đơn vị thường xuyên động viên tư tưởng để CB, CCVC-NLĐ tiếp tục yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Để người lao động yên tâm thực hiện nhiệm vụ và đồng thuận với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác tư tưởng, nghiên cứu thêm chính sách để hỗ trợ những người làm việc tại các sở, ban, ngành thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn.
Cụ thể, tại Kế hoạch số 201-KH/TU, ngày 9/12/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, thực hiện thắng lợi chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Công tác tuyên truyền phải phản ánh đậm nét quá trình triển khai chủ trương; động viên, khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc phát huy trách nhiệm cộng đồng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung...
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành địa phương đã và đang chủ động trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CB, CCVC-NLĐ về chủ trương quan điểm, nội dung tổng kết Nghị quyết số 18. Đây được xác định là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm ổn định tâm lý của CB, CCVC-NLĐ trong quá trình thực hiện sáp nhập và hậu sáp nhập.
Trên thực tế, việc thực hiện sáp nhập, sắp xếp, tinh gọn các sở, ngành, đơn vị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại tổ chức bộ máy bên trong sẽ không tránh khỏi tình trạng dôi dư CB, CCVC-NLĐ. Vì vậy, hiện nay, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông đã nghiên cứu, góp ý về chế độ chính sách đối với CB, CCVC-NLĐ do Bộ Nội vụ xây dựng.
Song song với đó, Sở Nội vụ cũng xây dựng dự thảo chính sách, tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông trình HĐND tỉnh xem xét trong thời gian tới. "Ngành Nội vụ kỳ vọng, Trung ương, tỉnh sẽ có một chính sách “đủ mạnh, đủ lớn” để tác động mạnh mẽ tới công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhất là khuyến khích, hỗ trợ những đối tượng dôi dư sau sắp xếp", bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ cho hay.