Thuế - Tài chính

Những nút thắt cần tháo gỡ trong năm 2024

Hoàng Bảo - Thanh Hằng 07/01/2024 19:19

Năm 2023, nhiều dự án của tỉnh Đắk Nông không thể “về đích” đúng hạn do vướng quy hoạch. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức đối với địa phương trong năm 2024.

Gỡ “nút thắt” quy hoạch bô xít

Thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Tuy Đức và Đắk Glong là 2 địa phương được bố trí nguồn vốn lớn nhất. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch nên tiến độ thực hiện các dự án của 2 địa phương này còn chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo kết quả rà soát cuối năm 2022, huyện Đắk Glong có 4.545 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,68%. Thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, đất ở và đất sản xuất.

h1(1).jpg
Huyện Đắk Glong vận động người dân hiến đất (không nằm trong quy hoạch) để thực hiện chương trình hỗ trợ cấp đất ở, nhà ở cho hộ nghèo

Theo kế hoạch, năm 2022, huyện Đắk Glong xét duyệt 40 hộ được hỗ trợ đất ở, 50 hộ được hỗ trợ xây nhà ở, 63 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với tổng kinh phí 5,3 tỷ đồng. Năm 2023, huyện tiếp tục được duyệt hỗ trợ đất ở cho 46 hộ, nhà ở cho 70 hộ và đất sản xuất cho 17 hộ với tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đất của hầu hết hộ dân thuộc diện được hỗ trợ đang nằm trong quy hoạch phân khu phát triển du lịch và bô xít. Do đó, các địa phương chưa thể giải quyết cho người dân. Việc thực hiện 3 nội dung trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng, dẫn đến tỷ lệ giải ngân 3 chương trình MTQG của huyện Đắk Glong chưa đạt như kỳ vọng.

Tương tự, để chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông, Dự án Quảng trường 23/3 đã được khởi công xây dựng từ cuối năm 2022. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 để tổ chức nhiều sự kiện lớn của tỉnh và đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do thiếu vật liệu đất đắp, tiến độ thi công bị ảnh hưởng, dẫn đến công trình không thể hoàn thành như kế hoạch ban đầu.

quang-truong(1).jpg
Quảng trường 23/3 không kịp tiến độ do thiếu vật liệu đất đắp

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các dự án tỉnh, kế hoạch ban đầu, nguồn đất san lấp của dự án được lấy từ nguồn đất dôi dư của các dự án: Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đắk Nông và Khu tái định cư B. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là một số khu vực nằm trong quy hoạch bô xít, việc cấp phép khai thác cần phải có ý kiến của Bộ TN – MT. Từ đó, dẫn đến tình trạng nguồn đất đắp cho dự án quảng trường còn thiếu rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các dự án tỉnh hy vọng, năm 2024, với sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng các sở, ngành, địa phương, tình trạng thiếu vật liệu đất đắp sẽ được tháo gỡ. Từ đó, việc thi công các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được bảo đảm.

Thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh

Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần cho biết, quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG có nhiều nội dung còn vướng mắc, liên quan đến quy hoạch. Trong đó, khó khăn lớn nhất của huyện hiện nay là quỹ đất để hỗ trợ giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất không còn. Nếu không giải quyết được đất ở thì cũng khó hỗ trợ được nhà ở cho người dân.

Trước mắt, để giải quyết đất ở cho người dân, huyện làm việc với các xã, tích cực vận động người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) cho, tặng đất. Sau đó, huyện sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện, xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, rồi hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong cho rằng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không thể áp dụng được hết cho tất cả các hộ dân. Để giải quyết triệt để vấn đề, bảo đảm quyền lợi cho người dân và tiến độ thực hiện các chương trình MTQG thì cần phải thực hiện hiệu quả quy hoạch của tỉnh

Tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hồi tháng 10/2023, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khái quát, theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.000 dự án đang vướng quy hoạch bô xít, diện tích gần 6.700ha. Điều này dẫn đến hàng loạt công trình, dự án không thể triển khai, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, để khơi thông điểm nghẽn liên quan đến bô xít, địa phương đã làm rất nhiều việc, quyết liệt, tập trung tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, muốn tháo gỡ vấn đề này, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, khóa XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị, các sở ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, để bảo đảm tiến độ các công trình, dự án, đồng chí Ngô Thanh Danh đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cần được chú trọng.

“Rà soát, kiểm tra các dự án có sử dụng đất; xem xét, thu hồi các dự án không triển khai, chậm tiến độ kéo dài, tuyệt đối không để các chủ đầu tư hợp thức hóa việc giữ đất bằng cách gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến cuộc sống, quyền, lợi ích hợp pháp người dân về đất đai, tài sản và an sinh xã hội”, đồng chí Ngô Thanh Danh yêu cầu.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Những nút thắt cần tháo gỡ trong năm 2024
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO