Nỗi niềm của nhà đầu tư
Công ty Cổ phần Inno Gennetics là một trong những đơn vị đã "rót" vốn đầu tư vào Khu NNƯDCNC nhiều nhất. Theo đó, cuối năm 2018, công ty đã đầu tư 25 tỷ đồng để làm nhà kính, phát triển 8,7 ha cây trồng các loại.
Công ty Cổ phần Inno Gennetics bị thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng bởi nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm khuẩn, khiến cây trồng bị chết |
Trong đó, công ty tập trung phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như rau ăn lá, dưa leo, cà chua… được trồng trên giá thể. Thời gian đầu, công ty đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động, cán bộ kỹ thuật là người địa phương.
Thế nhưng, sau một thời gian triển khai thực tế, công ty đã liên tục gặp phải khó khăn, cản trở ảnh hưởng đến sự phát triển của đơn vị. Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Khánh Dư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Inno Gennetics cho biết, công ty càng đầu tư càng thua lỗ.
Nguyên nhân xuất phát từ việc chất lượng nguồn nước tưới ở Khu NNƯDCNC không bảo đảm, bị nhiễm phèn, nhiễm khuẩn. "Do nguồn nước tưới kém chất lượng đã làm toàn bộ các lứa cây trồng của công ty bị nhiễm bệnh, chết héo với tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng", ông Dư khẳng định.
Công ty Cổ phần Inno Gennetics tự mua hóa chất khử phèn và sử dụng nước hồ để tái sản xuất |
Theo ông Dư, thất bại lớn nhất của công ty là việc không có hàng để giao cho đối tác đúng hợp đồng đã ký kết từ trước. "Trên thương trường một khi đã để mất uy tín thì rất khó để xây dựng niềm tin trở lại", ông Dư phàn nàn.
“Đâm lao phải theo lao”, công ty buộc phải bỏ ra một khoản tiền lớn để cải tạo lại đất đai, nguồn nước, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Cũng nói về những khó khăn tại Khu NNƯDCNC, bà Trần Tịnh Thi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Triển Phong cho biết, hơn 7 năm qua, công ty đã lâm vào cảnh khốn khổ vì sản xuất bị đình trệ.
Theo bà Thi, khi mới đến Khu NNƯDCNC, công ty được bàn giao 16 ha đất nông nghiệp để trồng chè. Thế nhưng, đến nay, có hơn 3 ha vẫn đang tranh chấp với người dân địa phương, công ty chưa thể sử dụng.
Thời điểm công ty đến đầu tư, Khu NNƯDCNC chỉ là vùng đất trống, điều kiện hạ tầng cơ sở rất hạn chế, việc sản xuất không đạt được hiệu quả. Sau đó, công ty đã bỏ ra hàng tỷ đồng để cải tạo đất, trồng cây giống, nhưng hiệu quả không cao.
Mặt khác, do đặc thù của công ty là chế biến chè (trà khô), nên phải sử dụng nguồn điện lớn để vận hành máy móc sản xuất, kho bảo quản lạnh. Thế nhưng, hệ thống cung cấp điện lại không đủ tải, nên nhiều máy móc chế biến của đơn vị phải "đắp chiếu". Sản phẩm của đơn vị cũng vì thế mà ảnh hưởng đến chất lượng.
Theo bà Thi, từ năm 2014 tới nay, tại Khu NNƯDCNC liên tục thiếu nước sản xuất. Công ty phải tự lắp đặt đường ống để dẫn nước từ suối về phục vụ sản xuất, nhưng kém chất lượng. Cũng do thiếu nước, nên khoảng 8 ha chè của đơn vị đã chết, thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Mặt khác, do hệ thống đường giao thông tại Khu NNƯDCNC chưa được xây dựng, nên hoạt động của công ty gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thu hoạch, vận chuyển sản phẩm.
Nhiều diện tích cây trồng của nhà đầu tư bị chết do nguồn nước không bảo đảm |
Hạ tầng cơ sở hạn chế
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động tại Khu NNƯDCNC đều gặp khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh vì nguồn nước kém chất lượng, hạ tầng cơ sở yếu kém, đất đai nhanh bạc màu.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu NNƯDCNC, nguồn nước kém chất lượng đang là vấn đề khó khăn chung và đơn vị chưa thể có giải pháp xử lý, khắc phục vì thiếu... vốn.
Hiện nay, Khu NNƯDCNC mới chỉ được đầu tư trục đường giao thông chính gần 800m, hồ chứa nước 5.000m2, đập dâng 12m, bể chứa 900m3, đường ống cấp nước, nhà vận hành… Tổng vốn đầu tư cho các hạng mục này vào khoảng 25 tỷ đồng.
Nhiều hạng mục quan trọng chưa được xây dựng tại Khu NNƯDCNC như: Hệ thống mạng lưới giao thông, khu chế xuất, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, khu xử lý rác thải, trạm cấp nước, đường giao thông nối từ quốc lộ 28 vào…
Ngoài trục đường chính, hệ thống giao thông tại Khu NNƯDCNC vẫn chưa được triển khai xây dựng |
Một trong những bất cập nhất hiện nay là việc trạm biến áp tại Khu NNƯDCNC dù đã có, nhưng không bảo đảm công suất phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư, nhất là các dự án cần nguồn điện có công suất cao.
Bên cạnh đó, Khu NNƯDCNC đang gặp khó khăn về nguồn nước, nhất là vào thời điểm mùa khô. Các nhà đầu tư chủ yếu sử dụng nguồn nước suối để phục vụ sản xuất, trong khi nguồn nước này đang bị nhiễm phèn, nhiễm khuẩn nặng. Do đó, nhiều cây trồng của nhà đầu tư không phát triển được, thậm chí bị chết, gây thiệt hại nặng nề.
Ngoài ra, hệ thống cấp nước phục vụ sản xuất do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư xây dựng. Từ khi nhận bàn giao vào năm 2019 đến nay, hệ thống này không vận hành được đã làm gián đoạn việc cung cấp nước tưới cho nhà đầu tư, đặc biệt trong mùa khô.
Hệ thống cấp nước bị hư hỏng, "đắp chiếu" chỉ sau vài tuần đưa vào sử dụng |
Khó "giữ chân" nhà đầu tư
Thực trạng nhà đầu tư bế tắc, làm ăn thua lỗ là điều rất đáng buồn đang diễn ra tại Khu NNƯDCNC. Hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư bỏ bê, không tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, buộc cơ quan chức năng phải tiến hành thu hồi dự án.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, sau khi đi vào hoạt động, Khu NNƯDCNC đã thu hút được 13 nhà đầu tư và được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý cấp chủ trương thực hiện dự án.
Thế nhưng, tính đến nay, chỉ còn 3 dự án đang được các nhà đầu tư triển khai thực hiện. Cơ quan chức năng phải tiến hành gia hạn thời gian thực hiện 4 dự án của nhà đầu tư (trong số này, có 2 dự án đang thực hiện, 2 dự án đang bỏ bê). 6 dự án còn lại nhà đầu tư đã bỏ bê lâu nay, cơ quan chức năng đang tiến hành thu hồi.
Nhiều máy móc chế biến chè của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Triển Phong không thể hoạt động vì thiếu điện |
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu NNƯDCNC cho biết: "Đơn vị đang xúc tiến kêu gọi 3 nhà đầu có tiềm lực kinh tế mạnh, có năng lực thực hiện dự án. Thế nhưng, với thực tế những khó khăn hiện nay, chưa biết các nhà đầu tư khi đến đây liệu có hoạt động hiệu quả hay không?".
Khu NNƯDCNC có tổng diện tích là 140,2 ha. Đến nay, diện tích được giao cho các nhà đầu tư mới chỉ được 72,88 ha (hơn 50%). Diện tích tiếp tục thu hút đầu tư là 24,76 ha; diện tích đang tranh chấp là 6,51 ha. Số diện tích còn lại chủ yếu là đồi dốc và được quy hoạch phát triển lâm nghiệp và sinh thái. |
Còn theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, với những gì đang diễn ra, các nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn khi đến đầu tư tại Khu NNƯDCNC. Do đó, việc bố trí kinh phí xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở tại Khu NNƯDCNC là điều rất cần thiết, qua đó tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư phát triển.
Việc cơ cấu lại tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, hạ tầng kỹ thuật, trang th iết bị... cũng là vấn đề cần giải quyết để Ban Quản lý Khu NNƯDCNC thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.