Những nhóm ngành hút học sinh Đắk Nông
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông và sự chuyển động mạnh mẽ của thị trường lao động, học sinh Đắk Nông đang chủ động tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề theo hướng thực tiễn, bám sát nhu cầu xã hội.
Nhóm ngành công nghệ dẫn đầu
Không còn là xu hướng nhất thời, nhóm ngành công nghệ đang khẳng định vị thế là “cánh cửa rộng mở” cho tương lai của học sinh Đắk Nông. Tại hầu hết các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh, các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, thiết kế đồ họa, thương mại điện tử… trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Xuất phát từ làn sóng chuyển đổi số lan tỏa trong mọi lĩnh vực, nhu cầu nhân lực công nghệ cao được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới. Đây là nhóm ngành đang được xem là “mũi nhọn” mang lại cơ hội việc làm bền vững, không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Học sinh Hoàng Nguyên Hãn, lớp 12A2, Trường THPT Gia Nghĩa, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Qua tìm hiểu, em nhận thấy nhu cầu sử dụng ô tô, đặc biệt là ô tô điện, ngày càng tăng, kéo theo sự phát triển mạnh của các dịch vụ liên quan. Vì thế, em quyết định thi vào ngành Công nghệ ô tô, tập trung vào các lĩnh vực như phần cứng, cơ khí, lập trình. Nhiều bạn bè em lựa chọn ngành này và đặt quyết tâm thi đỗ”.
Không chỉ học sinh THPT, ngay từ bậc THCS, nhiều học sinh đã sớm bày tỏ đam mê với nhóm ngành công nghệ. Học sinh Đỗ Quang Anh, lớp 9A3, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Em đặt mục tiêu thi vào Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh để sau này theo đuổi các ngành nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ thông tin. Xác định mục tiêu từ sớm nên em đã chủ động ôn tập, tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này ngay từ lớp 9”.

Theo thầy giáo Nguyễn Đình Khương, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, sự quan tâm của học sinh với bộ môn Tin học đang tăng rõ rệt nhờ điều kiện tiếp cận công nghệ, thông tin thuận lợi. “Số lượng học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi tin học trẻ, sáng tạo khoa học kỹ thuật ngày càng nhiều. Từ đó kéo theo sự gia tăng học sinh đăng ký theo đuổi nhóm ngành này. Trong lĩnh vực công nghệ, thông tin cũng có hai xu hướng rõ rệt: một là các ngành mang tính nghiên cứu chuyên sâu như lập trình, trí tuệ nhân tạo; hai là nhóm ngành ứng dụng thực tiễn, rất đa dạng để các em lựa chọn”, thầy giáo Khương cho hay.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh Trần Thị Mỹ Phương thông tin: “Đa số học sinh của trường ưu tiên lựa chọn các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, kinh tế, công an, y dược… Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng những ngành nghề phù hợp nhu cầu phát triển địa phương như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu liên quan đến nhôm, bô xít. Đây là hướng đi giúp học sinh phát huy năng lực bản thân; đồng thời tạo điều kiện để các em quay về đóng góp xây dựng quê hương sau khi tốt nghiệp”.
Thực tế đã chứng minh năng lực tiếp cận công nghệ của học sinh Đắk Nông ngày càng vững vàng. Trong các cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia, số lượng đề tài liên quan đến phần mềm, ứng dụng công nghệ số do học sinh địa phương thực hiện không ngừng tăng. Đây là nền tảng quan trọng để các em tự tin lựa chọn nhóm ngành công nghệ ở bậc học cao hơn, đồng thời hứa hẹn hình thành nguồn nhân lực công nghệ chất lượng, góp phần đưa Đắk Nông hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế số trong tương lai.
Thế mạnh nhóm ngành gắn với nhu cầu thực tiễn
Song song với nhóm ngành công nghệ, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh cũng hướng sự quan tâm đến nhóm ngành phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nổi bật trong nhóm này là các ngành nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, kỹ thuật cơ khí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục mầm non...

Tại các địa phương như huyện Krông Nô, huyện Đắk Mil nơi vùng kinh tế trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, số học sinh quan tâm đến ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật chăn nuôi, chế biến nông sản ngày càng tăng.
Học sinh Trần Anh Khoa, lớp 12, Trường THPT Krông Nô, huyện Krông Nô chia sẻ: “Em dự định thi vào ngành Thú y hoặc Bảo vệ thực vật để sau này có thể về quê làm việc, hỗ trợ gia đình phát triển nông nghiệp bền vững. Qua tìm hiểu và được tham quan nhiều mô hình sản xuất, trang trại, em thấy ngành này có nhiều tiềm năng phát triển tại địa phương”.
Không chỉ dừng ở lý thuyết, các trường học chủ động tạo điều kiện để học sinh tiếp cận thực tế ngành nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ông Trần Công Nhị, Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Mil, huyện Đắk Mil cho hay: “Chúng tôi tổ chức các buổi tọa đàm, mời chuyên gia, cựu học sinh thành đạt về chia sẻ cơ hội nghề nghiệp trong các ngành, nghề. Những hoạt động này giúp học sinh có thêm thông tin, hiểu rõ yêu cầu công việc và lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích cũng như xu thế phát triển của xã hội”.

Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, sự chuyển mình của tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch kéo theo nhu cầu nhân lực có tay nghề và kỹ năng nghề nghiệp cụ thể.
Việc lựa chọn ngành nghề sát thực tế không chỉ giúp học sinh dễ tìm việc làm tại chỗ mà còn góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho sự phát triển kinh tế địa phương”, vị lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông
Nhằm đồng hành với học sinh lựa chọn đúng hướng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng đã phối hợp với trường nghề, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, trải nghiệm thực tế. Học sinh được tham quan nhà máy chế biến nông sản, xưởng sản xuất, khu du lịch… để hiểu rõ hơn nhu cầu nhân lực từng ngành. Nhiều trường đại học, cao đẳng cũng đẩy mạnh tuyển sinh các ngành học phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh.
Những chuyển biến tích cực trong nhận thức và lựa chọn ngành nghề của học sinh Đắk Nông cho thấy sự tác động rõ nét từ các giải pháp đổi mới giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường. Thầy cô, phụ huynh và ngành giáo dục đang đồng hành sát sao để mỗi học sinh xác định rõ năng lực bản thân, hiểu đúng nhu cầu xã hội và chủ động xây dựng hành trang nghề nghiệp vững vàng.