Nhà báo - Học giả Trương Vĩnh Ký
Học giả Trương Vĩnh Ký nguyên tên là Trương Chánh Ký (SN 6/12/1837), tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn, hưởng thọ 62 tuổi. Tự của cụ là Sĩ Tải, tên Thánh đầy đủ là Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký, thường gọi tắt là Pétrus Ký. Cụ thông thạo 27 ngôn ngữ, trong đó có 15 thứ tiếng phương Tây và 12 thứ tiếng phương Đông.
Năm 1865, Chuẩn đô đốc Roze, khi đấy đang tạm quyền Thống đốc Nam Kỳ, đã mời Pétrus Ký ra làm quan, nhưng cụ đã từ chối mà yêu cầu xin lập một tờ báo tiếng Việt mang tên là Gia Định báo. Đây là tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta. Đồng thời cụ còn làm chủ bút một tờ báo tiếng Việt khác nữa là An Nam Chính trị và Xã hội. Song song với việc làm chủ bút hai tờ báo lớn lúc bấy giờ, cụ Pétrus Ký còn là cây bút chủ lực cho nhiều tờ báo khác.
Gia Định báo, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt là phương tiện truyền thông đầu tiên và rất mới mẻ tại Việt Nam. Nó đã giúp cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến rộng rãi hơn trong quần chúng nhân dân. Mặt khác, qua Gia Định báo, người Việt Nam có thêm một công cụ hữu hiệu trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, cũng như bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mỗi người.
Thế nhưng, sau khoảng 35 năm tồn tại, chính quyền thực dân đã ý thức được rằng Gia Định báo chính là một thứ vũ khí gậy ông đập lưng ông nên chúng đã không để cho tờ báo tồn tại nữa và đã ra lệnh đóng cửa. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn xác định Gia Định báo tồn tại đến ngày 31/12/1909 và chính thức đình bản ngày 01/01/1910.
Nữ chủ bút đầu tiên của làng báo Việt Nam - Sương Nguyệt Ánh
Bà Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê (1864 - 1921), là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bà là nhà thơ kiêm chủ bút nữ đầu tiên của làng báo chí Việt. Tờ báo Nữ giới chung do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX.
Đầu năm 1918, nhân lời mời của viên Tổng lý báo chí Nam Kỳ là Trần Văn Chim, Sương Nguyệt Ánh lên Sài Gòn làm Chủ bút tờ Nữ giới chung nghĩa là tiếng chuông của nữ giới. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 01/02/1918, với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội...
Ngòi bút của Sương Nguyệt Ánh và tầm ảnh hưởng của tờ báo này đã khiến bọn mật thám Pháp phải e ngại. Do đó tháng 7/1918, Nữ giới chung bị đóng cửa. Như vậy tờ báo chỉ tồn tại trong vòng khoảng 5 tháng.
Nhà báo Phan Khôi
Phan Khôi sinh năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu. Năm 20 tuổi, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng cổ tùng báo. Khi tờ tạp chí bị cấm, ông tham gia viết cho hàng chục tờ báo trong Nam, ngoài Bắc. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa. Hòa bình lập lại, 1954, Phan Khôi về Hà Nội.
Ông là một trong những bậc thầy của thể loại báo chí chính luận về văn hóa, văn nghệ. Chính ông là người đã chỉ ra rằng đằng sau cuộc xâm lăng chính trị, lãnh thổ của thực dân Pháp là cuộc xâm lăng về văn hóa.
Nhà báo Hồ Chí Minh
Báo Thanh Niên – cơ quan tuyên truyền, cổ động của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp phụ trách công tác biên tập và cũng là cây viết chủ yếu.
Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, Bác đã sớm nhận ra thứ vũ khí đắc lực cho cách mạng là báo chí. Trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký. Người còn sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên (1925), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925),Thân Ái (1928), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942) và Tạp chí Đỏ (1930).
Bác chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7/9/1945; thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 19/9/1945; báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân), ngày 11/3/1951. Trong quá trình hoạt động Người đã sử dụng 150 bút danh và viết bằng nhiều thứ tiếng tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc đăng trên nhiều tờ báo trong và ngoài nước.
Lịch sử báo chí nước ta cũng luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ “Tìm đường cứu nước”; “Vận động cách mạng”; “Kháng chiến giải phóng dân tộc”; “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; và ngày nay là “Đổi mới và hội nhập quốc tế”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Báo chí cách mạng Việt Nam đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể như V.I.Lê-nin từng yêu cầu, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.