Những người vượt lên số phận

Phạm Khánh| 14/01/2015 09:28

Là những người khuyết tật, nhưng hơn hết, họ vượt qua mọi khó khăn cực nhọc bằng nghị lực của chính mình để vươn lên trong cuộc sống. Đó là anh Đặng Khá (SN 1979) ở khối dân phố 9, thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) và anh Vi Văn Thân (SN 1992) ở xã Đắk D’rông (Chư Jút).

ADQuảng cáo

Người mù bán vé số

Ngày nào cũng thế, từ khoảng 6 giờ 30 phút là anh Khá đã “đi làm”. Với chiếc gậy và hơn 100 tờ vé số, anh lần mò trên khắp các nẻo đường, góc chợ để bán. Những ngày đầu chưa quen, anh định hình qua tiếng cười nói xì xồ, xì xào, tiếng xe cộ qua lại.

Và cứ thế, ở đâu có tiếng người ồn ào là anh đến mời chào mua vé số. Lâu dần trở thành quen, bây giờ hầu hết quán cà phê là những nơi tập trung đông người, anh đều biết. Đó cũng là nơi anh bán được vé số nhiều, mang lại nguồn thu đáng kể cho cả gia đình.

Cùng với chiếc gậy, anh Khá dò dẫm trên các tuyến đường để bán vé số kiếm sống

Tuy nhiên, công việc bán vé số không phải khi nào cũng thuận lợi đối với một người mù. Anh thường xuyên bị lọt vào các hố ga, vào cống rãnh như cơm bữa. Không ít lần mặt mày anh sưng húp, thâm đen, bởi khi chiếc gậy đụng đến bánh xe tải đậu trên đường thì lúc đó mặt đã đập vào thùng xe rồi. Những khó khăn vất vả là vậy, nhưng anh vui vì kiếm được đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của mình.

Anh Khá chia sẻ: “Mỗi ngày mình bán được 100 tờ vé số thì lời được 100.000 đồng. Mình vui vì đồng tiền từ chính tay mình làm ra, không phải chờ, phụ thuộc vào tình thương người khác. Không ít người đặt vấn đề sẵn sàng thuê và trả cho anh một tháng 4- 5 triệu đồng. Công việc mà người ta nói là anh chỉ việc ngồi một chỗ, chìa cái nón để người đi đường thả vào đó một ít tiền. Biết thế nên mình từ chối, không muốn để người ta lợi dụng và kinh doanh trên thân xác".

Về cái duyên với mảnh đất Đắk Nông làm nơi sinh sống, anh kể: Anh quê ở Quảng Nam, năm 13 tuổi thì bị mù cả hai mắt do bị bệnh thiên đầu thống. Anh đã đi làm thuê trên một thuyền đánh cá trên biển; vào các tỉnh miền Đông Nam bộ bán chổi; hiện tại anh chọn Đắk Nông làm nơi lập nghiệp và quyết tâm vượt qua số phận của mình.

Liệt 2 chân mưu sinh bằng nghề bán tăm dạo

ADQuảng cáo

Là một nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, Vi Văn Thân bị liệt 2 chân, tay bị teo cơ nên hoạt động rất hạn chế. Bố mất sớm, chị gái bị liệt toàn thân, em trai còn đi học, gia đình lại nghèo không có nương rẫy. Mọi gánh nặng cuộc sống, từ cái ăn đến cái mặc đều đè lên người mẹ già lam lũ, gầy gò.

Thương mẹ, cùng với việc không thể tự đến trường, hết lớp 4, Thân nghỉ học để giúp mẹ làm công việc trong khả năng mình có thể. Rồi khi lớn lên, Thân bắt đầu tự nghĩ cần phải tìm một công việc phù hợp, kiếm tiền phụ giúp mẹ bớt gánh nặng cơm áo hàng ngày.

Thân nghĩ ra cách đi bán dạo tăm tre và tăm bông. Lúc đầu không có xe lăn làm phương tiện di chuyển, Thân nhờ người quen mua hàng ở chợ trung tâm huyện về chợ xã Đắk D’rông ngồi bán. Mỗi thứ, Thân chỉ bán kiếm lời 2 đến 3 nghìn đồng/ bịch tăm.

Thấy đứa trẻ bị tật nguyền lại chịu khó, nên ai cũng thương và mua hàng, nhờ vậy mà Thân cũng kiếm được mỗi ngày dăm ba chục nghìn đồng. Sau này khi được hỗ trợ xe lăn, Thân mở rộng địa bàn ra các xã, rồi trung tâm các huyện, thị trong tỉnh.

Thân tặng tranh cho những ai mua tăm bông hoặc tăm tre

Đối với Thân, công việc đi bán tăm bằng xe lăn nhiều khi cũng gặp nguy hiểm, nhất là những đoạn đường nghiêng và dốc. Không ít lần người đi đường thấy Thân ngã dúi dụi bên lề đường, vào rãnh thoát nước miệng chỉ biết kêu cứu chứ không thể làm gì khác hơn. Chướng ngại vật trên đường, ổ gà cũng là những trợ ngại, khiến cho việc di chuyển của Thân trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng, đối với Thân không có gì cản trở được nghị lực vươn lên của mình.

Thân cho biết: “Em muốn tự mình làm ra đồng tiền để tự lo cho bản thân, phụ giúp mẹ bớt được gánh nặng cuộc sống hàng ngày, lo được phần nào cho em trai trong việc học hành. Em không muốn làm nghề ăn xin, vì ăn xin là xấu và nhục lắm.

Trong quá trình đi bán tăm dạo, Thân cũng rất sáng tạo để thu hút người mua. Thân thường tặng tranh tự vẽ cho những ai mua hàng của mình. Những bức tranh đều thể hiện niềm ước mơ của Thân như một cặp “nam thanh nữ tú” quấn quýt bên nhau, hay cảnh hạnh phúc của một gia đình có cha, có mẹ và anh chị em trong ngôi nhà đơn sơ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người vượt lên số phận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO