Những người thầy đặc biệt gieo chữ nơi đầu sóng
Tại các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) - giữa muôn trùng xa, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, có những thầy giáo trẻ vẫn hàng ngày âm thầm bám trường, bám lớp gieo chữ.
Hạnh phúc và hãnh diện
Trường tiểu học Song Tử Tây, xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có 7 học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 5, tất cả đều là con em của các hộ dân đang sinh sống trên đảo. Trường được trang bị đầy đủ các phòng chức năng, phục vụ nhu cầu của học sinh. Mọi hoạt động dạy và học vẫn rất nghiêm túc và tuân thủ đúng quy định của ngành Giáo dục.
Thầy Nguyễn Bá Ngọc, 1 trong 2 giáo viên đã giảng dạy 5 năm tại đảo, nên trường cũng là mái nhà của thầy trong ngần ấy thời gian. Thầy Ngọc chia sẻ: “Một lần đọc báo, tôi biết ngành Giáo dục Khánh Hòa đang tuyển giáo viên ra đảo công tác, lúc đó tôi quyết định nộp đơn xin dự tuyển. Dẫu biết sẽ có những khó khăn, nhưng được đứng trên bục giảng, tại một trong những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nên tôi quyết tâm tới đây”.
Thầy Ngọc cho biết thêm, sau giờ học, thầy và đồng nghiệp lại tranh thủ trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hoặc làm các sản phẩm lưu niệm để tặng các đoàn khách khi ghé thăm trường.
Tấm gương sáng của ngành Giáo dục
Trường tiểu học Song Tử Tây có 2 lớp, trong đó một lớp dành cho học sinh mầm non đến lớp 2, lớp còn lại dành cho học sinh lớp 3 đến lớp 5. Cũng giống như các trường học trên đất liền, đây là năm thứ 3 trường dạy, học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thầy Phú thông tin: “Với đặc thù là lớp học có nhiều khối lớp nên thầy giáo phải có kế hoạch cụ thể, phân chia công việc, bài giảng để các em học sinh không bị ảnh hưởng mà vẫn tiếp thu bài tốt. Dù là lớp học ít học sinh nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm đúng kế hoạch chương trình. Kết thúc học kỳ, học sinh được thi và đánh giá đúng chất lượng học tập”.
Tương tự, thầy Phạm Xuân Diệu, Trường tiểu học xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, các giáo viên trên đảo được ngành Giáo dục Khánh Hòa tập huấn kỹ. Trong quá trình công tác, bản thân các thầy giáo cũng thường xuyên trau dồi, nâng cao năng lực để dạy học tốt hơn.
“Được công tác tại Trường Sa là vinh dự mà không phải giáo viên nào cũng có được. Chúng tôi hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp trồng người cũng như việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. Chính vì thế, chúng tôi luôn cố gắng phát huy sức trẻ, hoàn thành tốt sứ mệnh của mình”, thầy Phạm Xuân Diệu xúc động nói.
Tới thăm, động viên các thầy giáo đang công tác tại các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn công tác tỉnh Đắk Nông đánh giá, sự nỗ lực, cống hiến của các giáo viên đã tô đẹp thêm hình ảnh của người thầy. Vượt lên những khó khăn, các thầy giáo đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, gieo tri thức cho thế hệ trẻ ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
“Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông trân trọng những nỗ lực, sự cố gắng phấn đấu của thầy, trò tại quần đảo Trường Sa. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới các thầy giáo sẽ tiếp tục phát huy năng lực, phẩm chất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương sáng của ngành Giáo dục Khánh Hòa”, đồng chí Hồ Văn Mười gửi gắm niềm tin tới thầy giáo Phạm Xuân Diệu, Trường tiểu học xã Sinh Tồn.