Đằng sau mỗi trang báo
Thông thường, khi cầm trên tay tờ báo, người đọc chỉ chú ý đến nội dung, tác giả của bài viết nhưng ít ai biết rằng đằng sau mỗi trang báo đó còn có phần công sức không nhỏ của cán bộ, nhân viên Phòng Thư ký Tòa soạn - những người “đầu bếp” cần mẫn, tỉ mỉ trong công tác lên trang, sắp chữ cho mỗi trang báo.
![]() |
Công nhân kỹ thuật in (Nhà in Đắk Nông) kiểm tra màu và kỹ thuật in Báo Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Tâm |
Hiện nay, Báo Đắk Nông ra 6 số/tuần (gồm 5 số chữ Việt và 1 số song ngữ Việt – M’nông – Mông) nên mỗi ngày, nhiệm vụ của Phòng Thư ký Tòa soạn phải đảm nhận khối lượng công việc khá lớn. Đặc biệt, những lần để chuẩn bị ra các số báo Tết, ngày lễ, công việc của Phòng Thư ký Tòa soạn lại dồn dập, ứ đọng tưởng chừng như không hoàn thành, nhưng với tinh thần đoàn kết, họ lại tạm gửi con nhỏ, công việc gia đình để quăng mình vào những trang báo.
Rồi tranh thủ những ngày nghỉ, các chị vẫn lên cơ quan đều đặn để mi trang, sắp chữ, morat cho báo ra kịp thời. Bất kể đêm tối, ngày mưa hay nắng, lạnh, khi số báo Tết đã cận kề, họ luôn túc trực như người cha, người mẹ nóng lòng chờ “đứa con tinh thần” của mình sắp chào đời.
Tâm sự về nghề, chị Nguyễn Thị Hiền, kỹ thuật viên trình bày báo chia sẻ: “Mặc dù không được mọi người biết đến và công việc đôi khi cũng rất căng thẳng nhưng tôi cũng như anh chị em trong cơ quan rất vui với công việc của mình. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề này vì nó chỉ dạy cho tôi rất nhiều về kinh nghiệm sống cũng như ý thức trong công việc”.
Dựng hình, "canh" sóng bằng cả đam mê
Theo ông Phạm Chí Hữu, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật công nghệ Đài PTTH tỉnh, trong quá trình sản xuất chương trình truyền hình thì kỹ thuật dựng là khâu cuối cùng quan trọng quyết định chất lượng hình ảnh cũng như nội dung mà những phóng viên, biên tập viên muốn chuyển tải đến người xem.
Theo đó, để những hình ảnh đẹp, sống động, chân thực, đảm bảo thời lượng chương trình của các bản tin, phóng sự… đến với người xem thì toàn bộ ê kíp dựng phải tỉ mỉ lựa chọn từng khuôn hình phù hợp. Việc dựng khuôn hình không đơn thuần là sắp xếp lại hình ảnh mà còn phải biết kết hợp với âm thanh, các kỹ xảo, tư duy nghệ thuật… để tạo nên chuỗi hình ảnh có trật tự logic, đảm bảo tính thẩm mỹ, góp phần chuyển tải nội dung một cách chân thực và sống động nhất.
Ngoài yêu cầu tay nghề cao, thiết bị hiện đại thì người KTV cần phải có niềm đam mê, nắm vững các thông số về âm thanh, kỹ thuật và nhất là phải có tư duy có hệ thống về hình ảnh, chương trình muốn dàn dựng.
Cùng với đó, chất lượng hình ảnh của những tin tức thời sự đến được với người dân hay không cũng nhờ đến đội ngũ KTV truyền dẫn phát sóng. Theo đó, để đảm nhận toàn bộ việc truyền dẫn phát sóng, quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống cũng như quản lý tín hiệu lên vệ tinh và truyền hình cáp của Đài PTTH tỉnh những KTV truyền dẫn phát sóng phải luôn bám sát công việc, tập trung cao độ, không để xảy ra sai sót, đảm bảo tín hiệu phát sóng ổn định 24/24h.
Ngoài điểm phát sóng tại trụ sở của Đài PTTH tỉnh, các KTV truyền dẫn phát sóng còn phải đảm nhận công việc ở các điểm thu, tiếp sóng ở một số địa phương trong tỉnh như Đắk Song, Chư Jút. Ngoài ra, hiện Đài PTTH đang khai thác các 5 kênh truyền hình gồm: VTV1, VTV2, VTV3, VTV6, PTD và 2 kênh phát thanh VOV1, VOV4…
Trong đó, các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV6 phát sóng liên tục 24/24h. Vậy nên các KTV phải thường xuyên thức thâu đêm để “canh” sóng. Tâm sự về nghề, anh Nguyễn Văn Trọng, KTV phòng vui vẻ nói: “Lặng lẽ làm việc và không được mọi người biết đến nhưng chúng tôi rất vui vì đã góp phần đưa những hình ảnh tốt, sắc nét nhất phục vụ bạn xem đài.
Có những thời điểm chương trình, nhất là dịp lễ, tết, các sự kiện lớn của tỉnh, cả ê kíp phải thức trắng để làm việc. Buồn ngủ, mệt mỏi nhưng tất cả anh chị em đều động viên cùng nhau cố gắng vượt qua”.
Tương tự, còn rất nhiều người khác nữa như Nhà in, Bưu điện... họ không được gọi là "nhà báo" nhưng với tình yêu nghề và sự tận tụy trong công việc, họ đã góp phần không nhỏ cho việc hoàn thiện sản phẩm báo chí phục vụ xã hội.