Pháp luật

Những người "quay về" để báo hiếu

Hoàng Thanh 29/08/2023 15:00

Vướng vào lao lý, tệ nạn, nhiều người đã kịp "quay về" làm lại cuộc đời. Họ quyết tâm vươn lên để chăm sóc gia đình, nhất là báo hiếu với cha mẹ.

ADQuảng cáo

Vượt qua cạm bẫy trở về với gia đình

Nhìn cuộc sống hiện tại của gia đình anh N.V. L, ở xã Nam Dong (Cư Jút) đầm ấm, hạnh phúc, ít ai ngờ được rằng, trước đây anh đã từng nghiện ngập ma túy đem lại khổ đau cho gia đình.

Hiện tại, vợ chồng anh có một cửa hàng buôn bán nhỏ. Vừa buôn bán vừa làm thêm nương rẫy, thu nhập của gia đình anh ổn định, cuộc sống tương đối đủ đầy.

Trước đây, có một thời gian dài L dính vào tệ nạn ma túy. Đang học THPT thì L bỏ học theo đám bạn xấu lao vào những cuộc chơi vô nghĩa, rượu chè thâu đêm. Do nhận thức chưa đầy đủ và bị bạn bè xấu lôi kéo, anh đã vướng vào ma túy.

L nhiều lần về nhà lấy đi tất cả những đồ đạc có giá trị để bán. Khi nhà không còn gì, L vay mượn người thân, lừa lọc… để "nướng" vào ma túy.

img_0660.-may(1).jpg
Học viên Cơ sở cai nghiện số 1 (Tuy Đức) học nghề may công nghiệp

Từ khi L dính vào tệ nạn, cha mẹ anh phải chịu nhiều điều tiếng xấu; bị xóm giềng, người thân xa lánh. Họ buồn bã sinh bệnh nặng. Anh trở thành người con bất hiếu.

Thế nhưng, được người thân, chính quyền vận động và nhận ra sai lầm của bản thân, anh đã đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện số 1 (Tuy Đức). Trong thời gian điều trị nghiện, L dần nhận ra những sai lầm của quá khứ.

Anh hiểu rõ hơn tác hại của ma túy và tự nhủ phải kiên quyết cai nghiện, trở về làm lại cuộc đời và báo hiếu với cha mẹ. Nhờ sự kiên trì của bản thân, chỉ sau hơn 10 tháng, anh đã cai nghiện thành công. Anh được tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Anh trở về địa phương trong sự đón nhận, cảm thông và che chở của gia đình, nhất là từ cha mẹ. Từ đó, anh càng quyết tâm hơn trong việc làm lại cuộc đời.

Anh L cho biết, ở nơi cai nghiện, nhiều đêm anh không ngủ được vì nhớ lại những lần lầm lỡ. Anh thấy mình đã mất quá nhiều thời gian cho những cuộc chơi hoang phí, vô nghĩa.

Trong khi những người bạn cùng trang lứa với anh đã xây dựng cơ ngơi, sự nghiệp thành đạt thì anh vẫn trắng tay và mang tiếng “con nghiện”. Điều đau đớn nhất là anh đã làm cho cha mẹ phải chịu nhiều đau khổ, tủi hờn vì sai lầm của bản thân.

"Từ những suy nghĩ đó, sau khi trở về, tôi đã quyết chí làm ăn, vươn lên làm lại cuộc đời. Dẫu có muộn nhưng may mắn là tôi vẫn còn kịp...”, anh L chia sẻ.

Theo công an địa phương, hiện anh L rất chăm chỉ làm ăn, đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Bên cạnh đó, L còn rất tích cực tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

img_0694.-tu-bien(1).jpg
Một tiết mục tự biên của học viên Cơ sở cai nghiện số 1 (Tuy Đức)
ADQuảng cáo

Tại thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô), T.V.T vướng vào tệ nạn ma túy khi chưa đầy 18 tuổi. Do nghiện ngập, H suốt ngày lêu lổng, hễ ai hở cái gì là trộm cắp bán lấy tiền mua ma túy.

Năm 2021, được gia đình, cơ quan chức năng vận động đưa đi cai nghiện, H đã chấp hành. Vào Cơ sở cai nghiện số 1 (Tuy Đức), sau khi được điều trị cắt nghiện, H đã được học nghề sửa chữa xe máy.

Sau thời gian cai nghiện thành công, được người chị gái đầu tư, H đã mở một cửa hàng sửa chữa xe máy. Thu nhập từ công việc này đã giúp H ổn định cuộc sống.

“Dính vào nghiện ngập làm gia đình đau khổ, mọi người xa lánh, nên tôi đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện nay tôi chấm dứt liên lạc với những bạn bè xấu, tập trung chí thú làm ăn. Công việc cuốn hút, đem lại thu nhập, nên tôi có chút ít để báo hiếu cha mẹ”, H tâm sự.

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.100 người nghiện ma túy đang có hồ sơ quản lý. Mỗi năm, cơ quan chức năng đưa khoảng 100 người đi cai nghiện bắt buộc. Số còn lại cai nghiện tại cộng đồng.

Đền đáp công ơn đấng sinh thành

Từng tham gia một vụ cưỡng đoạt tài sản bị tòa án xử 4 năm tù giam, anh N.V.D, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) sau khi ra tù đã chí thú làm ăn, trở thành một công dân tốt, có hiếu với đấng sinh thành.

Theo anh D, 10 năm trước, tuổi trẻ bồng bột, trong một lần sau cuộc rượu, anh được bạn bè rủ rê tham gia vào một vụ cưỡng đoạt tài sản và phải vào tù. Là anh cả trong gia đình, đồng thời là chỗ dựa của bố mẹ, các em, khi anh vào tù, kinh tế gia đình trở nên sa sút, bố mẹ đau buồn.

Nhận thức rõ sai lầm, trong thời gian chấp hành án tù, anh đã quyết tâm cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, bố mẹ. Trong trại giam, được học nghề thợ mộc. Đây cũng là nghề mà anh yêu thích.

“Sau thời gian chấp hành, cải tạo tốt, tôi được ra tù trước thời hạn. Trở về địa phương, sẵn nghề mộc, tôi đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện tôi đã có vợ và hai con. Bố mẹ cũng rất vui”, anh D chia sẻ.

Theo anh D, những ngày thi hành án tù, anh luôn nghĩ về bố mẹ và những đứa em. Là người anh cả, lẽ ra anh phải giúp đỡ được bố mẹ, các em, nhưng lại làm khổ họ. Vì vậy anh đã quyết tâm học nghề mộc để ra tù làm kế sinh nhai.

Với quyết tâm của mình, D đã lập nghiệp từ nghề mộc và có thu nhập ổn định. Không chỉ lo cho các con ăn học, D còn phụ giúp được bố mẹ ở quê nhà. Anh cho biết, mới đây anh về quê sửa sang cho bố mẹ căn nhà đã dột nát nhiều năm.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa là động lực lớn nhất để những người như anh D, H, L… vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình, đoạn tuyệt với những thói hư, tật xấu. Không những vậy, nhiều người còn trở thành “tai mắt” của lực lượng công an trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương

Theo Trung tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn tỉnh trung bình mỗi năm có trên 100 người chấp hành án phạt tù trở về địa phương. Hầu hết họ đều tái hòa nhập cộng đồng tốt, tỷ lệ tái phạm tội thấp.

Ngoài ra, hàng năm, Đắk Nông có số lượng lớn người cai nghiện ma túy thành công. Sau khi trở về, phần lớn họ biết tu chí làm ăn để chăm lo cuộc sống gia đình, bù đắp công ơn của bố mẹ.

Có được kết quả đó, ngoài việc tự nhận thức của bản thân, hiệu quả của công tác giáo dục tại các trại giam thì có sự chung tay của gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người "quay về" để báo hiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO