Kinh tế

Những người phụ nữ khởi nghiệp và vươn lên từ tài nguyên bản địa

Báo Nhân Dân 19/10/2023 09:45

Những ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm nay được hình thành từ nguồn tài nguyên bản địa của các địa phương, với mục tiêu giảm tác động tiêu cực lên môi trường. Từ kết quả đó, giá trị văn hóa, truyền thống đặc sắc, phong phú ở khắp vùng miền được lưu giữ và phát triển, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

ADQuảng cáo
nhan-dan-3.png
Dự án "Biến phụ phẩm cây trồng nông nghiệp thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao" lọt vào chung kết cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa". Ảnh Minh Thúy

Từ một phụ nữ nghèo vất vả mưu sinh, nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ, chị Trương Thị Bạch Thủy (sinh năm 1984) - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã trở thành tấm gương nữ doanh nhân vượt khó ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, chị Bạch Thủy đã đoạt giải nhất ở vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 với dự án Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình Khmer có nghề truyền thống đan đát ở ấp Mỹ 1, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, Bạch Thủy biết đan đát từ khi còn nhỏ.

Học hết lớp 11, cô xin gia đình đi học thêm nghề thủ công mỹ nghệ ở các nghệ nhân và dự các lớp thiết kế, mỹ thuật. Với sự thông minh, lại chịu khó học hỏi, Bạch Thủy đã được nhiều người biết đến với nghề kinh doanh các sản phẩm tre, mây mỹ nghệ.

Tuy nhiên, do sự biến động của thị trường, các sản phẩm đan đát không trụ được với sự cạnh tranh từ các mặt hàng gia dụng từ nhựa, Bạch Thủy đã phải rời làng nghề và đến Sóc Trăng mở cửa hàng đồ ăn. Tuy cuộc sống ổn định, nhưng cô lúc nào cũng đau đáu với nghề đan đát truyền thống của gia đình.

Đến khi Hội Phụ nữ phát động phong trào khởi nghiệp và phong trào hạn chế sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường, Bạch Thủy trở về quê nội là làng đan đát xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng để thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết với quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.

“Nơi đây, có nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề cao trong lĩnh vực đan đát thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên người dân mới chỉ hoạt động nhỏ lẻ, theo yêu cầu chủ cơ sở sản xuất, không biết cách kinh doanh và phát triển làng nghề. Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết được thành lập và xây dựng chuỗi liên kết thu mua tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho người dân trong vùng”, Bạch Thủy chia sẻ.

Từ đó, chị tìm hiểu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng và sản xuất ra những sản phẩm đan đát gồm vật dụng gia đình cho đến các mặt hàng mỹ nghệ mây tre dùng để trang trí và được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Qua sáu năm triển khai, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ của các địa phương, các bộ, ngành và sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của Hội Phụ nữ các cấp, đã có hơn 80 nghìn ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; hơn 70 nghìn phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5.000 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga

Mỗi khi có khách đặt hàng mẫu mới, chị nghiên cứu thật kỹ, tự tay làm ra sản phẩm mẫu, sau đó mang xuống các làng nghề hướng dẫn lại cho chị em để tạo ra những sản phẩm ưng ý nhất.

Bên cạnh đó, hợp tác xã phát triển và ứng dụng cây tre vào xây dựng các công trình kiến trúc nhằm phát huy giá trị và bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Mô hình này giúp giải quyết việc làm ổn định cho 32 xã viên và hơn 60 chị hội viên phụ nữ trong làng nghề với phần đông là người dân tộc Khmer.

ADQuảng cáo

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào cho biết, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ, Sóc Trăng luôn xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng các mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi, nữ doanh nhân tiêu biểu, trong đó, mô hình Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết là một điển hình cho sự thành công của phụ nữ đồng bào Khmer ở Sóc Trăng.

Trong các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp gần đây, Nguyễn Thị Hoài Sen ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được biết đến là người phụ nữ vượt khó khởi nghiệp với cách làm độc đáo mang tính bền vững.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, chọn mô hình khởi nghiệp nuôi lợn bằng thảo dược chính là để cô vượt qua nỗi đau khi người chồng đột ngột qua đời và cũng tiếp tục những ước mơ còn dang dở của anh.

Trang trại của Hoài Sen chỉ rộng khoảng 1,5 ha nằm cách xa khu dân cư, trồng nhiều loại cây dược liệu mà nếu như không được giới thiệu từ trước thì ít người biết nơi đây là chuồng trại nuôi lợn và số dược liệu ấy là để chế biến thức ăn cho gia súc.

Với kiến thức về các loại cây thảo dược từ hồi học ở trường y và học hỏi thêm những người có kinh nghiệm, Hoài Sen đã nảy ra ý tưởng ủ các loại cây thảo dược lên men làm thức ăn cho đàn lợn. Tuy nhiên, mô hình còn khá mới và còn ít người áp dụng nên đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với cô.

“Qua thử nghiệm ở giai đoạn đầu, có rất nhiều vấn đề phát sinh kèm theo đó chi phí thực hiện các thí nghiệm tốn kém. Các lần nuôi thử nghiệm ban đầu, tôi đã gặp nhiều thất bại”, Hoài Sen chia sẻ.

Quyết tâm không bỏ cuộc, cô đã tìm ra nguyên nhân thất bại là do đàn lợn thiếu dinh dưỡng, ăn nhiều cây cỏ nhưng lại thiếu chất đạm. Cô tìm tòi và đi đến lựa chọn mua cá biển tươi chế thành đạm dinh dưỡng đưa vào khẩu phần ăn cho đàn lợn. Từ đó vật nuôi có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh và ổn định về chất lượng thịt.

Hiện nay, trong trang trại của Hoài Sen được trồng xen canh bốn tầng cây để giảm tác động của thiên tai và chủ động tạo nguồn thức ăn sạch cho đàn lợn. Tầng trên cùng là cây phi lao và cao-su để chắn gió bão, phía dưới trồng cây ăn quả, cây hoàn ngọc để làm thức ăn cho lợn và nhiều cây họ đậu, đỗ. Các loại hạt như đỗ xanh, lạc thì thu gom để bán, còn đỗ tương được chế biến cho vật nuôi ăn.

Hoài Sen còn thu mua của người dân ở địa phương các cây thảo dược được trồng nhiều trong vườn nhà, giúp họ có thêm thu nhập. Các loại thảo dược được cô đưa về sơ chế hoặc chế biến tươi, ủ men và phối trộn với ngô, sắn, đậu tương, cám và bột cá rồi đưa vào máy chế biến thành thức ăn viên, giúp đàn lợn đủ chất dinh dưỡng, thịt thơm ngon khi xuất chuồng.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình Châu Thị Định, dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ nuôi heo thảo dược vi sinh theo chuỗi giá trị có kiểm soát” đã tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cộng đồng.

Dự án này của Hoài Sen đã được trao giải nhì tại vòng chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023. Trước đó, dự án đã được trao giải đặc biệt tại cuộc thi khu vực miền trung với sự tham gia của 22 dự án khởi nghiệp tiêu biểu.

Chia sẻ về cuộc thi năm nay, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Qua sáu năm triển khai, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ của các địa phương, các bộ, ngành và sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ của Hội Phụ nữ các cấp, đã có hơn 80 nghìn ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; hơn 70 nghìn phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5.000 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập...

ADQuảng cáo
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/khoi-nghiep-vuon-len-tu-tai-nguyen-ban-dia-post778545.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người phụ nữ khởi nghiệp và vươn lên từ tài nguyên bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO