Đời sống

Những người "giữ lửa” và “tiếp lửa” cho văn hóa dân tộc Đắk Nông

Mỹ Hằng 12/03/2024 04:40

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc luôn tìm mọi cách để gìn giữ và trao truyền những nét văn hóa mà cha ông để lại.

Những “cây cổ thụ” ở bon làng

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 55 người được công nhận danh hiệu nghệ nhân; trong đó, 51 nghệ nhân ưu tú (3 người được truy tặng); 4 nghệ nhân Nhân dân.

dsc09899(1).jpg
Nghệ nhân K’Krong truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ

Nghệ nhân K’Krong, bon B’Nơm Păng Răh, xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng luôn có mặt tại các lễ hội do cộng đồng, địa phương tổ chức. Ngoài việc sử dụng thành thạo, ông còn thường xuyên nhắc nhở, truyền dạy cho thế hệ trẻ trong bon, trong xã biết đánh chiêng, thổi m’buốt cùng các nhạc cụ khác của dân tộc như d’rơn, m’ló, b’buốt, goong reng… Điều đáng ghi nhận là dù đã ngoài 70 tuổi nhưng nghệ nhân K'Krong còn nhớ và hát kể sử thi, những câu chuyện liên quan đến mảnh đất mình đang sinh sống như sự tích núi Tà Đùng, hòn đá mồ côi, bãi đá cầu mưa…

dsc08750(1).jpg
Nghệ nhân K’Krong tham gia biểu diễn cho du khách khi khách có nhu cầu

Theo nghệ nhân K'Krong, ngày xưa đồng bào Mạ có rất nhiều lễ hội để cho người dân được biểu diễn cồng chiêng, múa xoang. Nhưng bây giờ, một phần là do nhận thức của người dân đã được nâng cao nên đã loại bỏ bớt một số lễ hội hủ tục. Một phần do sự thay đổi của cuộc sống nên một số lễ hội không còn phù hợp để duy trì. Nhất là từ khi Thủy điện Đồng Nai 3 tích nước thì toàn bộ dân làng khu vực lòng hồ đã về nơi ở mới nên các hoạt động liên quan đến sinh hoạt cộng đồng mai một đi rất nhiều. Ông K'Krong luôn trăn trở, mong muốn làm sao để văn hóa truyền thống của người Mạ không bị mất, mà được gìn giữ, phát huy.

Từ đó, ngoài việc tích cực chỉ dạy đánh chiêng cho lớp trẻ trong bon, ông K'Krong còn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Tại đây, được tiếp xúc với nhiều khách du lịch nên ông đã mạnh dạn đưa các loại nhạc cụ vào biểu diễn, phục vụ du khách. Ngoài kiếm thêm thu nhập, ông K'Krong mong muốn giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tại các hội thi, hội diễn văn nghệ do địa phương tổ chức, ông đều mạnh dạn đăng ký tham gia và mang lại cho khán giả những tiết mục mang đậm bản sắc của dân tộc mình.

dsc09847(1).jpg
Nhờ đội ngũ nghệ nhân mà văn hóa truyền thống các dân tộc được gìn giữ, kế thừa

Nghệ nhân ưu tú Lò Thị Hoa, thôn Trung Sơn, xã Ea Pô, huyện Cư Jút luôn nỗ lực mang những kiến thức về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái truyền dạy lại cho các bạn trẻ trên địa bàn.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, tuổi thơ của bà Lò Thị Hoa gắn liền với hình ảnh người mẹ, người chị ngồi bên khung cửi đưa thoi, dệt vải. Ở tuổi mới lớn, bà được mẹ chỉ dạy nhận biết thế nào là khung cửi, cách thêu hoa, tạo hình hoa văn trên thổ cẩm truyền thống…

img_6364_original(1).jpg
Nghệ nhân Lò Thị Hoa vẫn miệt mài bên khung cửi để tạo ra những tấm thổ cẩm của người Thái

Để học nhanh, nhớ kỹ, bà vừa lưu giữ bằng trí nhớ, vừa vẽ ra giấy những hoa văn phức tạp. Đến năm 16 tuổi, bà đã dệt thành thạo các loại hoa văn khó như hình con chó, hình thập ngoặc hay hình quả trám… Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bà còn tìm hiểu để kỹ thuật thêu, dệt các hoa văn thổ cẩm lên lụa tơ tằm rồi áp dụng vào thực tế. Những sản phẩm thổ cẩm bà làm ra bắt mắt, hợp với thị hiếu của thị trường nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà thường xuyên tham gia các buổi triển lãm, lễ hội do chính quyền các cấp tổ chức để có thể giới thiệu văn hóa dệt thổ cẩm của dân tộc Thái.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 194 người biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc; 12 người nhớ và hát kể được sử thi Ót N’drông M’nông; 301 người biết và hát những làn điệu dân ca; 698 người biết dệt thổ cẩm truyền thống (cả dân tộc phía Bắc); có 53 người biết làm cây nêu truyền thống; 363 người biết đan lát truyền thống của dân tộc mình; 106 người biết và kể được truyện cổ; 69 người là đồng bào dân tộc phía Bắc biết và sử dụng đàn tính, hát then…

Có thể thấy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu vô bờ bến, đội ngũ nghệ nhân đã không quản ngại khó khăn để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Trân trọng và phát huy vai trò của nghệ nhân

Một trong những trăn trở nhất của việc bảo tồn văn hóa là hiện nay cuộc sống ngày một phát triển, sự giao lưu, hội nhập ngày càng diễn ra mạnh mẽ nên cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Trong khi đó, đội ngũ nghệ nhân ngày càng lớn tuổi.

dsc_9436(1).jpg
Đội ngũ nghệ nhân là những người “giữ lửa” và “tiếp lửa” cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương

Trong khi số nghệ nhân giỏi nghề truyền thống, giỏi nghệ thuật diễn xướng ngày càng lớn tuổi và dần ít đi, thì lớp trẻ vì nhiều lý do không mấy mặn mà, hoặc chưa đủ sức để kế tục, để giữ ngọn lửa văn hóa của dân tộc.

Nghệ nhân Y Sim, buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút chia sẻ: “Những năm gần đây, do không hiểu được tầm quan trọng nên bà con trong các buôn làng người Ê đê trên địa bàn đã mang các bộ chiêng, cổ vật cùng các vật dụng có giá trị trong gia đình đi bán đổi tiền. Số chiêng lớn, nhỏ ở các buôn còn rất ít và rời rạc riêng lẻ, không đồng nhất nguyên bộ nên rất khó bảo tồn”.

Còn nghệ nhân Lò Thị Hoa cho biết: “Càng đam mê bao nhiêu, tôi càng lo một ngày không xa, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình sẽ bị mất đi. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở suy nghĩ tìm cách để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm trên đất Đắk Nông”.

Theo bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông, trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đội ngũ nghệ nhân có vai trò hết sức quan trọng. Bởi họ chính là những người “giữ lửa” và “tiếp lửa”, hiểu được tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Để góp phần khuyến khích đội ngũ nghệ nhân thì các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa, có chính sách phù hợp. Các ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch). Ngành Văn hóa phối hợp, tiếp tục mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm để lớp trẻ ngày càng trân quý, phát huy vai trò của mình trong bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc...

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Những người "giữ lửa” và “tiếp lửa” cho văn hóa dân tộc Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO